Suy đi tính lại thì tôi chẳng thấy có cái title nào phù hợp hơn nữa cho bài viết này. Vâng, hôm nay tôi sẽ nhắc tới việc “kéo dài” tuổi thọ của trang phục, một điều rất quan trọng cho những ai quan tâm, chăm chút chuyện ăn mặc.
OK, bạn đã bỏ công sức, tiền bạc ra để sắm cho mình những thứ ưng ý, thì cũng phải biết chăm sóc, giữ gìn chúng sao cho đúng cách. Tôi nghĩ rằng một anh chàng ăn mặc đẹp nên đi đôi với việc biết cách giải quyết khâu “hậu kỳ” thật tốt. Vì sao ư? Đó là cái áo, cái quần bạn mặc cho chính mình cơ mà? Đừng bao giờ hồn nhiên vo viên mọi thứ, nhét hết vào máy giặt quay vèo vèo hoặc tệ hơn nữa là có suy nghĩ giặt giũ, chăm sóc quần áo là chuyện của… các bà mẹ. Hơn nữa, những mẹo nho nhỏ trong bài viết này chắc chắn rất dễ áp dụng, xin mời bắt đầu 😀
Chất lượng hơn số lượng
Tất nhiên rồi, sở hữu chỉ vài món đồ có chất liệu tốt, đến từ những thương hiệu có uy tín, tên tuổi một chút bao giờ cũng ăn đứt việc bạn móc hầu bao ra “cúng” cho cả tá đồ hàng chợ dễ bị sút chỉ, rão cổ. Trang phục có chất lượng bao giờ cũng sẽ ở bên bạn lâu dài hơn rất nhiều. Hãy đầu tư hơn nữa cho đồ basic vì chúng có thể kết hợp với nhau rất ăn ý, đa dụng và đa năng trong nhiều hoàn cảnh, sự kiện.
Hạn chế giặt
Nghe thì có vẻ hơi… bẩn nhưng đúng là như thế đấy bạn của tôi :D. Hoá chất trong bột giặt chính là kẻ thù cho độ bền của vải vóc. Tôi không muốn tỏ ra quá cực đoan nhưng trừ những thứ sẽ phải giặt hàng ngày như áo phông, áo sơ mi thì bạn cần biết đến “giới hạn” của các trang phục khác, chủ yếu là đồ mùa Đông. Tôi sẽ liệt kê ra một số ví dụ:
Quần jeans: 5-7 ngày/lần. Tôi luôn ủng hộ việc hạn chế giặt quần jeans vì không muốn những chiếc quần yêu thích bị mất dáng. Bạn biết đấy, tôi còn là một tín đồ của raw denim nữa 😀
Quần khaki, chinos: 3-4 ngày/lần
Quần vải: 2 ngày/lần
Áo len: 3 ngày/lần
Áo khoác chất liệu dày dặn có thể giặt máy: 5-6 ngày/lần
v.v…
Giặt đúng cách
Phía bên trong của mỗi món đồ thường được đính kèm bảng hướng dẫn giặt, hãy làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý phân loại các món đồ để tránh thảm hoạ phai màu khi quần áo “chiến đấu” với nhau trong máy giặt. Ví dụ quần jeans chắc chắn nên giặt riêng, áo len sẽ có loại nước giặt chuyên dụng (hoặc có thể sử dụng dầu gội đầu để giặt cũng ok) và nhớ chỉnh chế độ giặt đồ len nếu giặt máy, v.v… Tôi thường tự giặt tay tất cả áo phông, áo sơ mi trắng, sáng màu vì muốn yên tâm hơn. Riêng áo sơ mi, điều kiện thời tiết Việt Nam luôn để lại vệt bẩn trên cổ áo sau 1 ngày mặc dù bạn có sạch sẽ đến đâu đi nữa. Vì thế, bạn sẽ cần vò qua phần cổ áo trước khi tống chúng vào máy giặt.
Nhiệt độ nước quá cao cũng sẽ làm giảm tuổi thọ sợi vải nên giặt được nước lạnh thì cứ giặt thôi 😀
Phơi quần áo sao cho hợp lý
Bạn thường phơi áo phông như thế nào? Nếu là dùng tay kéo mạnh phần cổ để luồn mắc áo vào thì nên suy nghĩ lại… Bạn đang góp phần làm giảm tuổi thọ cho chiếc áo của mình bằng cách làm này. Thay vì phần cổ, bạn có thể luồn mắc áo theo hướng từ dưới lên trên để duy trì được độ co giãn của cổ áo.
Nhiệt độ cao và ánh nắng sẽ giúp quần áo mau khô cũng như diệt vi khuẩn nhưng để phơi quá lâu cũng không phải là ý hay bởi sợi vải sẽ bị giòn và bạc màu. Thêm một điều cần nhớ nữa là lộn mặt trái của mọi trang phục khi phơi nhé!
Treo mắc quần áo đúng chuẩn
Những thứ nhạy cảm như đồ len rất dễ bị rão, chảy xệ khi treo vào mắc áo. Loại này chỉ có gập lại và xếp gọn gàng trong tủ. Áo sơ mi trước khi treo nên là qua một chút cũng như cài 2-3 cúc áo trên cùng để tránh nhăn nheo khi xếp sát nhau.
Mắc áo là yếu tố rất cần chăm chút ở đây, hãy tránh xa loại mắc áo kim loại uốn mỏng rẻ tiền, loại vẫn được các cửa hàng giặt là sử dụng vì đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng rão, trễ vai áo. Loại mắc áo bằng nhựa cũng chẳng đắt mà lại “lành” hơn rất nhiều. Nếu có điều kiện, đầu tư vài bộ mắc bằng gỗ theo tôi là tuyệt vời nhất vì đây là chất liệu nâng đỡ nhẹ nhàng, giữ nguyên form cho áo quần và còn có tác dụng hút hơi ẩm còn sót lại trên áo sau khi phơi nữa.
Comments