Là một con nghiện jeans, tôi có thể tìm mọi cách để mặc được chúng, từ trang phục hàng ngày, đi làm, đi chơi, kể cả kết hợp với các loại áo khoác blazer nữa. Tất nhiên sẽ có những khoảng nghỉ với khaki, trousers để có chút không khí thay đổi nhưng có lẽ tôi không thể sống thiếu jeans được.
Và tôi đoán có rất nhiều người cũng “cuồng” loại quần dễ mặc, dễ kết hợp trang phục này. Đó cũng chính là lý do tôi muốn qua bài viết này được chia sẻ chút hiểu biết hạn hẹp của mình về Nudie jeans, thương hiệu denim đến từ Thụy Điển, nổi tiếng với loại quần “mặc 6 tháng mới được giặt”.
Dù mới ra đời được hơn 15 năm (1999), thời gian còn rất khiêm tốn khi so sánh với những Levi’s, Lee, Wrangler, v.v… nhưng Nudie vẫn biết khẳng định thương hiệu theo một cách rất riêng. Hãng chỉ sử dụng loại Organic cotton (sợi bông tự nhiên, không tẩm hóa chất) để cho ra đời những kiểu dáng mà chỉ nhắc đến thôi cũng như từ khóa khiến các tín đồ denim phải phấn khích: Tight Long John, High Kai, Skinny Lin, Tape Red…
Chìa khóa của sự mê hoặc ấy có lẽ đến từ loại dry denim mà Nudie áp dụng cho các sản phẩm của mình. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc tự hỏi “dry denim” là cái quái gì thì tôi xin được phép giải thích: Những chiếc quần jeans thông thường và phổ biến nhất là loại denim washed, tức là trước khi xuất xưởng và đến từng cửa hàng, quần được cho vào máy giặt với đá mài để tạo nên hiệu ứng bạc màu.
Màu xanh indigo của dry denim đối với tôi là “Theory of everything” khi có thể kết hợp với rất nhiều loại trang phục.
Chiếc Nudie High Kai của tôi vừa tròn 1 tháng break-in đã kịp có đủ thứ kỷ niệm: chia tay sếp, chia tay đồng nghiệp và cả tá thứ lặt vặt mà tôi không nhớ nổi nữa. Không hiểu sau lần giặt đầu tiên thì trông nó sẽ ra sao?
Khác với chúng, dry denim không hề đi qua bước giặt, rõ ràng hơn là không dính tới nước mà sợi vải được nhúng thẳng vào bể màu nhuộm. Những chiếc quần này chỉ có màu xanh (indigo) và phai nhạt dần theo thời gian. Những ai mặc dry denim hẳn đều phải trải qua việc màu nhuộm quần phai vào áo sáng màu hay… quần lót trắng nhưng hãy yên tâm là những vết loang này rất dễ giặt sạch.
Khái niệm “break-in” với một chiếc quần mới được Nudie đặc biệt chú trọng và tìm mọi cách để “răn dạy” khách hàng của mình: trên website, blog, tag sản phẩm. Quá trình break-in này kéo dài ít nhất là 6 tháng trước lần giặt đầu tiên, nghĩa là bạn có từng ấy thời gian để sống cùng và tạo ra kỷ niệm với chiếc quần của mình. Trong quá trình này, chiếc quần sẽ ngày càng tôn dáng, ôm vừa vặn lấy đôi chân và chỉ vừa với người mặc mà thôi.
Màu sắc của quần cũng sẽ phai đi, kết hợp với phong cách sống của chủ nhân để sau lần giặt thứ nhất, chiếc quần sẽ là một thứ độc nhất, không thể tìm thấy cái thứ hai có màu sắc và kiểu dáng như thế. Chiếc quần còn là nơi tương phản lại chính cuộc sống thường ngày của bạn. Bạn hay nhét ví vào túi sau – túi sau sẽ có vết hằn. Bạn nhét chìa khóa vào túi trước, ở đúng chỗ đó sẽ có vết chìa khóa của bạn. Đồng xu bạn nhét vào túi phải cũng sẽ hiện lên vết hằn sau một thời gian. Bạn ngã xe và vết máu thấm ra đầu gối, đúng nơi đó sẽ có vết loang sậm màu.
Trên trang web của Nudie Jeans, có rất nhiều câu chuyện của người dùng chia sẻ như vậy. “Tôi là một thợ đá, tôi thường phải mang vác nặng và vì thế nên chiếc quần Nudie của tôi có vết rách ở đây”. “Vết bia dính vào đây và tôi hay nhảy điệu Ching-a-ling nên cái quần nó loang ra màu thế này đấy”. Chiếc quần Nudie Jeans, nói cách khác, ghi lại cuộc sống của bạn và trở thành một phần của nó, cũng như việc nó trở thành một mảnh của chính bạn.
Với triết lý break-in, Nudie đã thành công khi đem lại sự hồi hộp, mong ngóng dành cho người sử dụng. Chiếc quần jeans đã vượt qua giới hạn chỉ là thứ trang phục thường ngày mà trở thành “lớp da” thứ 2, nơi lưu giữ lại tất cả những kỷ niệm, trải nghiệm của người mặc.
Chắc sẽ có nhiều người phải nhăn mặt khi đã đọc hết bài vì…sợ bẩn. Suy nghĩ đó cũng là hợp lý cho những chiếc quần 6 tháng “lê lết” không qua giặt. Tuy nhiên, bạn có thể làm sạch quần jeans bằng cách bọc vào túi nilon và nhét trong ngăn đá tủ lạnh 1 ngày, nhiệt độ lạnh sẽ giết chết vi khuẩn. Và tôi cũng nhớ có đọc ở đâu đó nói về việc đã chứng minh được mật độ vi khuẩn bám trên jeans bẩn cũng tương đương với jeans sạch. Đấy nhé, khoa học nói chứ không phải tôi nói đâu đấy!
Những câu chuyện được chia sẻ cho Nudie Jeans:
Anh này là thợ đá, thế nên phần túi của chiếc quần có những vết rách, xước và mài do nhấc và bê đá. Vết hằn ở khuỷu quần hay còn gọi là “tổ ong” xuất hiện sau một thời gian dài người mặc ngồi và co duỗi chân.
Chiếc quần của anh thợ đá ở trên, trước và sau. Anh ấy đã mặc liền tù tì không giặt trong 9 tháng.
Anh này thì đã mặc trong 1 năm 4 tháng rồi và vẫn chưa giặt lần nào. Dù mưa, gió hay nắng, đi chơi festival, đi câu cá, đi làm và đi bất cứ đâu. Và anh này đã làm cha, thế nên thường cúi xuống hoặc quỳ rất nhiều, đặc biệt là chân trái. Như bạn thấy, thậm chí còn có vết sơn trắng do anh ấy bất cẩn trong một lần sơn nhà.
4 năm 3 lần giặt, đáng nể phải không? Vì mặc đã lâu, bị rách khá nhiều lại hay đạp xe nên phần rách đã lan vào tận phía mé trong của đùi, thế nên bạn này phải đem đi sửa lại, và cũng vì đem sửa nên mới đành phải giặt thôi.
Kỷ lục đây, 5 năm 3 lần giặt. 1 năm rưỡi đầu tiên là cuộc đấu tranh mệt nghỉ với mẹ để không bị đem đi giặt. Bên phía đùi phải, chủ nhân khoe có vết máu vì đấm bốc với bạn.
Comments