top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Đừng mua áo khoác giả da, hãy chọn da thật!

Có 2 cột mốc đáng nhớ của chiếc áo khoác da:

  1. Năm 1928, Irving Schott thiết kế ra chiếc biker jacket đầu tiên và bán nó với giá chưa đến 6$ tại một cửa hàng Harley Davidson ở thành phố New York, Mỹ. Trước đó vào những năm 1900, áo khoác da từng xuất hiện với vai trò là áo khoác của phi công – flight jacket, đây cũng là tiền đề của chiếc bomber jacket về sau.

  2. Năm 1953, Marlon Brando chọn mặc mẫu áo của Schott trong phim “The Wild One” và ngay lập tức, chiếc biker jacket trở thành một biểu tượng của sự nổi loạn, nam tính.

Câu hỏi đầu tiên là có nên mặc áo da? Với bề dày lịch sử như ở trên của chiếc áo, tôi sẽ nói là “rất nên thử”. Hay là bạn thử hỏi những người lớn tuổi đi, có khi nào họ cũng từng ao ước được cool ngầu như Marlon Brando trong chiếc biker jacket, ngả người trên chiếc Triumph Firebird và nhìn đời một cách cao ngạo?

Cảm ơn Marlon Brando, đến nay chiếc biker jacket đã trở thành một biểu tượng của phong cách nam giới. Áo da + quần jeans là lựa chọn của rất nhiều người cho trang phục hàng ngày.

Vậy thì có nên mặc áo giả da (faux leather)? Áo da thật sẽ không rẻ chút nào, một chiếc Perfecto huyền thoại của Schott cũng có giá trên 1000$, tất nhiên còn rất nhiều lựa chọn khác nhưng chắc chắn là không thể rẻ được. Thế nên nhiều người sẽ chọn áo giả da với mức giá vô cùng cám dỗ như một giải pháp tình huống. Tôi thì lại nghĩ đây là một khoản đầu tư sai lầm.

Áo giả da phổ biến với chất liệu polyurethane, hay còn gọi là da PU. Còn một loại giả da “có tâm” hơn là da bicast (không biết tiếng Việt gọi là gì) có chứa da thật, nhưng là lớp da ở gần thịt nhất, bề mặt bám sợi. Đây thật ra là thứ còn sót lại sau quy trình xử lý da thật (các lớp da bên trên), đổ một lớp polyurethane lên bề mặt tấm da “hàng thải” này, chúng ta có da bicast.

Nếu bạn chưa đủ khả năng mua áo da thật, hãy chờ đợi và tiết kiệm ngay từ bây giờ đi. Áo da thật sẽ ngày càng đẹp lên sau mỗi lần mặc: lúc mới mua nhìn có vẻ hơi đanh, hơi cứng nhưng sau đó sẽ mềm dần, màu da trầm hơn, dáng áo fit hơn, ôm vừa vặn cơ thể hơn. Đó là những tính chất mà một chiếc áo giả da không thể làm được, chất lượng của loại áo này chỉ có đi xuống sau các lần sử dụng mà thôi.

Một chiếc áo da thật có thể ở lại lưu giữ kỷ niệm với bạn… cả đời nếu được chăm sóc kỹ lưỡng. Thậm chí ngay cả khi ít được quan tâm, chúng vẫn có tuổi thọ bền bỉ đến vài ba năm. Đấy là còn nói theo cách khiêm tốn rồi đấy, tôi cũng chưa thấy ông nào “phá” được áo da, dù đó là người cẩu thả, công việc phải lăn lộn nhiều đi chăng nữa. Có chăng là vài ba vết xước nhìn rõ được trên áo sáng màu, nhưng đó cũng là một phần trong vòng đời của chiếc áo da, phong cách bụi bặm thì phải đi kèm với xước sẹo chứ 😁

Mặc áo da thường xuyên thực ra cũng là một cách “bảo quản”, giúp áo đẹp hơn theo thời gian.

Nếu bạn thấy đề tài áo da này hấp dẫn, tôi sẽ tiếp tục với cách phân biệt áo da thật và giả da cũng như giới thiệu một vài style áo da phổ biến nữa. Phần comment ở cuối bài viết đang chờ bạn cho ý kiến 😉

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page