Thực sự mà nói, phong cách ăn mặc với đa số vẫn chỉ là một khái niệm mơ hồ và khó nắm bắt. Sự mơ hồ ấy càng trở nên to lớn hơn mỗi khi vào dịp sắm sửa quần áo mới. Nhiều người thường xuyên quên mất size của mình, không biết quần áo phải như thế nào là vừa vặn hay vẫn còn hoài nghi về chất lượng cũng như sự phù hợp.
Nhiều khi những thứ chúng ta mua về có số phận thật hẩm hiu nơi… đáy tủ vì không vừa người hoặc chỉ hợp mắt lúc mua. Nói tóm lại, mua sắm trang phục nhiều khi thật bối rối và đầy bực dọc khi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Tôi biết một vài tip rất đơn giản mà hiệu quả từ trang Artofmanliness và sẽ chia sẻ ngay bây giờ. Hy vọng sau khi đọc xong, bạn có thể đàng hoàng bước vào các cửa hàng quần áo với các ý tưởng, ý muốn rõ ràng trong đầu.
Thứ “công cụ” dùng để mua sắm ở đây là “Style Pyramid” với 3 điều kiện đơn giản: Sự vừa vặn, Chất liệu và Phong cách.
Nếu một món đồ không thoả mãn cả 3 điều kiện trên thì đó là thứ bạn không nên quan tâm. Chúng ta sẽ nói qua một chút về 3 yếu tố này:
Sự vừa vặn: Nằm ở đỉnh kim tự tháp. Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ đây bởi một khi chiếc quần, chiếc áo hay đôi giày không vừa size thì những yếu tố đẹp, hợp mốt, sang chảnh chẳng nói lên được gì nữa.
Chất liệu: Là yếu tố quyết định chất lượng trang phục. Nếu không vừa ý với chất vải của món đồ, rất khó để khiến bạn “xiêu lòng” trước nó. Mặc dù không quan trọng bằng sự vừa vặn nhưng chất liệu vẫn đóng vai trò cốt yếu cho quyết định của bạn.
Phong cách: Thể hiện cho thẩm mỹ của riêng bạn và hình ảnh bản thân bạn muốn show ra cho thế giới ngắm nhìn ra sao. Nếu món đồ vừa vặn và có chất liệu ưng ý nhưng lại không phù hợp với phong cách, bạn sẽ cần phải cân nhắc thật kỹ.
Bạn hoàn toàn có thể biến 3 yếu tố trên trở thành nguyên tắc mua sắm của mình. Nếu không vừa, hãy dừng lại. Nếu vừa vặn, nhưng chất liệu có vẻ rẻ tiển, bỏ qua. Nếu món đồ đáp ứng cả sự vừa vặn và được sản xuất bằng chất liệu tốt, nhưng không hợp với phong cách mình đang theo đuổi, hãy tiếp tục tìm kiếm những thứ bạn cảm thấy đẹp hơn. Và khi món đồ đáp ứng cả điều trên đồng nghĩa với việc nó đáng để bạn bỏ tiền ra mua đấy!
Còn bây giờ, hãy đi sâu hơn vào các yếu tố này:
Sự vừa vặn
Là yếu tố cơ bản nhất khi chọn trang phục. Một bộ đồ dù đẹp tới đâu, nhưng lại quá rộng hoặc quá chật đối với người mặc, thì giá trị của nó cũng không còn. Tuy nhiên, không có nghĩa là nếu mặc vừa thì bất cứ bộ nào cũng đẹp. Áo hoặc quần được coi là vừa, nếu người mặc không cảm thấy bị bó chặt, và có thể cử động thoải mái, nhưng cũng không được rộng “quá đáng”. Bạn có thể tham khảo độ vừa của một số loại trang phục dưới đây:
Các loại áo sơ mi và áo phông
Cổ áo ôm vừa vặn quanh cổ, không bị thắt quá chặt khi đóng cúc cổ.
Đường may phần vai phải đặt đúng giữa điểm tiếp xúc của bả vai và bắp tay.
Cổ tay áo trùm kín cổ tay, và hơi chớm lên một chút chạm vào điểm cuối của xương cổ tay từ ngón cái đi xuống. Nếu áo sơ mi có cổ tay ngắn hơn độ dài này, không nên mặc cùng áo khoác blazer.
Thân áo phải dài quá phần hông để có thể sơ vin nếu cần.
Phần eo cần ôm sát thân người nhưng không phải là kiểu bó chẽn đến tức thở. Dáng áo sơ mi slim-fit có thể coi là chuẩn mực hiện nay. Nếu cần thiết, bạn có thể đem áo ra thợ may để chỉnh sửa cho thật vừa với form người.
Áo khoác
Cũng giống như áo phông hay sơ mi, mục đích chính của bạn đều là tránh chiếc áo quá chật hoặc quá rộng, sao cho những chuyển động của cơ thể luôn thoải mái. Một chiếc áo khoác chuẩn cần các yếu tố sau:
Vai áo vừa vặn, tiêu chí giống như áo sơ mi ở trên.
Ngực áo phải thực sự thoải mái mỗi khi đóng cúc hoặc kéo phéc mơ tuya.
Phần hông rộng hay chật đều gây ảnh hưởng tới cúc áo. Hông phải đủ rộng để khi đóng cúc, chiếc áo không bị nhăn nhúm.
Tay áo chỉ cần dài hơn tay áo trong một chút.
Chiều dài lưng áo cần đi qua thắt lưng.
Quần
Độ dài quần rất dễ nhận thấy để điều chỉnh. Gấu quần dài quá mắt cá chân một chút, hay hơi phủ qua phần trên của giày là vừa đẹp.
Cạp quần không được quá rộng cũng như quá chật. Chiếc quần lý tưởng giúp bạn dễ dàng kéo cạp quần lên mà không phải tháo cúc. Đối với quần jeans, cạp quần có thể trễ hơn các loại quần tây hay chinos.
Từ cạp quần tới đũng quần nên tạo cảm giác thoải mái, không bó sát.
Phần mông sẽ khác nhau tùy vào loại quần của các hãng khác nhau, nhưng tốt nhất bạn chỉ cần chọn một chiếc quần mà khi đứng lên ngồi xuống thấy thoải mái.
Chất liệu
Để có thể đánh giá được chất lượng của từng loại vải, sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức để hiểu sâu về các loại chất liệu. Tuy nhiên, khi chọn lựa, bạn nên chú ý tới những tiêu chí sau:
Vải không pha: Nếu đồ cotton, thì đó phải là 100% cotton. Các loại vải pha cũng có vẻ đẹp riêng và đóng vai trò hỗ trợ cho chất vải chính. Ví dụ như vải denim may quần jeans ngày nay thường được pha thêm chất liệu co giãn spandex, một yếu tố phổ biến cho các loại quần skinny jeans. Tuy nhiên nếu tỉ lệ pha mà trong đó chất liệu chính ít hơn 95% thì cũng phải cân nhắc.
Trọng lượng vừa phải: Mỗi loại trang phục sẽ có trọng lượng khác nhau. Ví dụ đồ mùa Hè thường được may mỏng hơn so với đồ mùa Đông. Một bộ suit cứng cáp sẽ được may từ vải len khá dày, bạn có thể cảm thấy nặng khi cầm trên tay. Nên tránh món đồ nào quá mỏng manh.
Cũng nên chú ý tới chất lượng “đường kim, mũi chỉ” của món đồ mình định mua bởi chẳng ai muốn phải ôm hận khi đã tìm được loại chất liệu tốt nhưng đường may lại quá cẩu thả, xấu xí:
Mũi khâu: Thể hiện chất lượng cơ bản. Nếu chỉ bị tuột ra từ các mối khâu, thì món đồ đó rất có thể không được may cẩn thận.
Đường ly áo: Nếu bị nhàu nát, hay chỗ này rộng hơn chỗ khác, chiếc áo đó đương nhiên là một sản phẩm kém chất lượng.
Chất lượng của các chi tiết nhỏ: Ví dụ như khóa kéo, cúc áo hay cúc quần là loại nhựa rẻ tiền hay bằng xà cừ, kim loại chắc chắn? Các nhãn hàng thường có đối tác thứ 3 để sản xuất khoá kéo phéc mơ tuya cho quần jeans hoặc áo khoác, YKK (được in dập trực tiếp lên khoá kéo) là một cái tên có thể tin tưởng.
Những tips trên có tác dụng khi bạn được cầm nắm trực tiếp món đồ trên tay. Vậy còn việc mua hàng online, bạn sẽ phải làm gì khi chỉ biết dựa vào những hình ảnh và vài dòng giới thiệu, chú thích? Hãy dựa vào những gợi ý dưới đây:
Mua hàng từ những thương hiệu quen thuộc, có uy tín: Hãy hạn chế việc mua sắm từ những hãng mới nghe thấy tên hoặc chưa bao giờ có trải nghiệm với chúng.
Mua hàng từ những trang có chính sách đổi trả hợp lý: Trước khi quyết định “xuống tiền”, hãy check thật kỹ chính sách hoàn trả của webstie. Hoàn hảo nhất là bạn có thể trả lại món đồ không ưng ý và nhận lại tiền refund mà không mất phí ship ngược.
Phong cách
Như tôi đã từng nhắc đến, việc định hình phong cách của bản thân rất quan trọng, nó giúp bạn tránh được việc sa đà vào những món đồ bất hợp lý khi đi mua sắm. Trước khi mua món đồ nào đó, nên xem xét tủ đồ hiện có của mình. Nếu bạn có thể kết hợp được đồ mới với đồ sẵn có thì hãy quyết định mua.
Việc thay đổi phong cách cũng phải cân nhắc thật kỹ càng, vì nó kéo theo rất nhiều món phải mua mới. Vì thế, chỉ thay đổi phong cách nếu bạn chắc chắn sẽ mặc chúng liên tục trong một khoảng thời gian dài.
Comments