Trang phục mang tinh thần cơ bản – basic luôn rất đỗi nhẹ nhàng, đơn giản nhưng xét về mức độ hiệu quả mà phong cách này mang lại, đây không phải là thứ có thể xem thường 😎. Sự đơn giản cũng có những quy tắc riêng và sai lầm nhiều lúc cũng có thể xảy ra một cách đầy bất ngờ. Ví như trên một chiếc t-shirt trắng, ngay cả những vết bẩn nhỏ nhất cũng trở nên nổi bật hơn trên cái nền trắng tinh ấy. Dưới đây là 4 điều ngắn gọn tôi đúc rút được ra khi đã và đang trung thành với phong cách basic được khá lâu rồi:
Luôn có một món đồ/chi tiết tạo điểm nhấn trên trang phục
Món đồ/chi tiết tạo điểm nhấn này chuyên môn gọi là “statement piece”. Đó có thể là chiếc áo khoác, đôi giày hay bất cứ trang phục nào khác mà bạn mặc lúc đó. Cũng chẳng cần phải là thứ gì đó mang màu sắc rực rỡ hay thiết kế phá cách, điểm nhấn chỉ hết sức nhẹ nhàng trên tinh thần cơ bản thôi, đủ để làm mắt người đối diện chậm lại một chút khi nhìn bạn. Giống như vai chính lạnh lùng, ít nói, cool ngầu trên phim ấy 😏
Cẩn trọng với trang phục có in/thêu logo
Với tôi, rắc rối không nằm ở logo thương hiệu nói chung mà là những logo khổng lồ, ngoại cỡ đánh chiếm gần như là toàn bộ diện tích bề mặt vải 😰. Mặc một chiếc t-shirt hay áo nỉ, hoodie kèm logo to tướng trước ngực không nói lên điều gì cả. Tôi lại nghĩ rằng những trang phục in logo chằng chịt lên như thế là để che giấu đi thiết kế, form dáng “có vấn đề”. Thử nghĩ xem, có bao nhiêu đôi sneakers giá ở trên trời thực chất chỉ là một phiên bản Stan Smith hay Converse kín đặc logo? Hay bao nhiêu trang phục đắt đỏ khác, nếu so sánh về chất lượng thực tế còn thua xa đồ Uniqlo? Xin lỗi nếu quan điểm cá nhân này đụng chạm đến bạn 😉.
Chất lượng của món đồ sẽ bộc lộ ra từ thiết kế, chất liệu và cấu trúc. Tất nhiên, logo thương hiệu cũng có thể trở thành điểm nhấn trên trang phục basic, như đã nhắc đến ở trên, nhưng chỉ cần ở đó một chiếc logo hay một dòng chữ nho nhỏ, vừa đủ thôi!
Sử dụng phụ kiện
Sự góp mặt của phụ kiện có thể chuyển biến phong cách rất hiệu quả. Phụ kiện trên trang phục cơ bản thậm chí còn có hiệu ứng mạnh mẽ hơn: đó có thể là dây lưng, kính mắt, đồng hồ, mũ, vòng, nhẫn, v.v…
Nhưng cũng cần tiết chế với phụ kiện, coi chừng bị biến thành “cửa hàng tạp hóa di động” nhé…
Quan sát chất liệu
Thử đặt trước mặt 5 chiếc t-shirt trắng đến từ 5 thương hiệu khác nhau, có lẽ bạn sẽ nhận ra được sự khác nhau trong thiết kế, form dáng hay độ dài nhưng thứ khác biệt nhất phải là chất liệu. Có thể cùng là chất liệu cotton nhưng chiếc áo này sẽ dày, chiếc kia mỏng và mềm hơn, chiếc kế bên dễ nhăn hơn, v.v…
Những chất liệu khác như len, wool, đồ da, v.v… cũng tương tự. Sự dày dặn, hiệu ứng bề mặt mềm mại hay thô ráp đều là cơ sở để đánh giá về chất lượng ban đầu. Còn sự thật ra sao, chính bạn là người có câu trả lời rõ hơn hết khi là người trải nghiệm, trực tiếp sử dụng.
Comments