Tôi cũng từng có bài viết về việc kéo dài tuổi thọ cho trang phục qua nhiều cách chăm sóc, bảo quản. Bạn có thể hạn chế giặt đồ tối đa tuỳ vào chất liệu vải vóc nhưng để giữ dáng quần áo một cách tốt nhất, cách duy nhất là… không giặt. Nhưng chẳng ai có thể chấp nhận được sự “kỳ dị” bẩn thỉu ấy, sẽ đến lúc trang phục bị tống vào máy giặt, giặt tay, giặt khô hay qua bất cứ hình thức nào khác để làm sạch.
Chính vì một cách giặt không thể áp dụng được cho tất cả các trang phục, các chất liệu vải nên nhiệm vụ ngày hôm nay của tôi là giới thiệu một số cách giặt tương ứng với các chất liệu thường gặp. Bạn biết đấy, giặt giũ bài bản cũng là cách để món đồ trở nên bền bỉ, ở bên bạn mà phục vụ lâu dài hơn.
Áo da
Tất nhiên chỉ có thể mang áo da, đồ da ra tiệm giặt khô nhưng nhiều người vẫn thực hiện thao tác chùi vết bẩn trước ở nhà. Đây là điều nên làm vì chỉ có bạn mới hiểu rõ đồ đạc của bản thân và có con mắt “soi mói” còn hơn cả chuyên gia giặt là ý chứ!
Sử dụng khăn mềm sạch (có thể dấp chút nước để khăn hơi ẩm) và lau sạch những vết bẩn do bùn, đất… nói chung là các vết bẩn dễ tẩy. Đối với những vết bẩn cứng đầu hơn, ví dụ như dầu mỡ (mấy thứ này mà bám vào áo da sáng màu thì đúng là khóc thét thật!), hãy thật cân nhắc trước khi dùng thuốc tẩy. Bạn có thể thử trước tác dụng của thuốc tẩy trên chất liệu áo bằng cách đổ một ít vào khăn rồi bôi vào mặt trong áo hay những chỗ kín đáo trên món đồ.
Đồ da lộn
Sử dụng bàn chải chuyên dụng cũng như dung dịch làm sạch dành cho da lộn để đánh các vết bụi bẩn. Nếu không thấy khả quan, hãy dừng lại trước khi mọi chuyện đi quá xa.
Chú ý không dùng giấy ướt để lau hay làm sạch giầy da lộn. Vì trong giấy chứa rất nhiều cồn làm hại da lộn và còn có thể làm vết bẩn loang rộng ra một cách vô vọng… Nếu da lộn bị lấm bùn, nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng tránh chà xát quá mạnh, để chừa lại một ít vết bùn cũng được. Để phần còn lại của bùn được khô, sau đó, sử dụng bàn chải da lộn để làm sạch nốt. Sau cùng, lau sạch đôi giày với một miếng vải ấm và ướt và để khô qua đêm. Tuyệt đối tránh xa máy sấy cũng như các nguồn nhiệt mạnh đối với đồ da lộn!
Đồ denim
Lật mặt trái của quần/áo jeans trước khi cho vào máy giặt hay giặt tay, phơi khô tự nhiên chứ không nên dùng máy sấy để giữ dáng triệt để.
Đồ len
Rất nhiều máy giặt có chế độ giặt len (wool washing) nhưng đã là đồ len thì luôn được khuyến khích giặt tay. Nước giặt nên ở nhiệt độ ấm (chứ không phải là nóng bỏng tay đâu nhé!) để tránh co rút sợi vải len. Nếu có thể, hãy trải rộng áo len ra khi phơi. Hạn chế sử dụng mắc quần áo để treo lúc áo vẫn còn ẩm, vai áo cực kỳ nhanh rão và chảy xệ. Ngay cả khi cất vào tủ, nên gập đồ len lại chứ không treo vào mắc.
Lụa
Thông thường, đồ pha chất liệu lụa thường được khuyến cáo giặt khô. Khi mang ra tiệm, bạn cần nói với thợ giặt là sử dụng ít hoá chất thôi. Đối với đồ pha lụa có thể giặt ướt (tỉ lệ lụa trong vải thấp), ưu tiên giặt tay bằng nước ấm và chỉ sử dụng một lượng nhỏ bột giặt. Không vò mạnh, giũ mạnh, nói chung đã vải lụa thì phải nâng niu. Vải lụa phơi khô tự nhiên đến mức hơi ẩm thì có thể mang vào là ở mức nhiệt thấp để loại bỏ vết nhăn, lưu ý là mặt trái.
Một số biểu tượng hướng dẫn giặt
Hãy tìm những biểu tượng này ở mặt trong trang phục của bạn, chúng thường nằm ở đường may hai bên sườn:
Cần nhớ!
Nước càng nóng thì càng làm trang phục nhanh phai màu, bị co rút và mau cũ
Phân loại màu và giặt riêng giữa màu tối, màu sáng giúp tránh việc màu bị phai và “nhuộm” lên đồ sáng màu. Ví dụ như tránh giặt áo len đỏ với sơ mi trắng tinh nếu không muốn chiếc áo sơ mi có màu hồng phần khó tả…
Không phải sử dụng nhiều bột giặt, nước giặt là tốt
Kiểm tra túi áo, túi quần trước khi giặt. Đôi khi một chiếc bật lửa, chìa khoá hay son dưỡng môi mùa đông là thủ phạm làm hỏng máy giặt (và cả quần áo nữa).
Nếu ai đó khuyên bạn sử dụng cà phê đen để tránh quần áo phai màu hay dùng thêm thuốc tẩy để đồ sạch hơn…. người đó không phải bạn bè gì đâu…
Comments