Tôi muốn nói đến những chiếc áo sơ mi có dáng formal, chuyên dùng để mặc kèm suit hay mặc riêng cũng tạo nên sự đứng đắn và lịch lãm của chủ nhân. Rất nhiều người quên rằng chiếc áo sơ mi ở đây cũng có vai trò quan trọng chẳng kém gì một bộ suit vì chỉ nghĩ người ta sẽ “soi” phần bên ngoài chứ ít khi để ý tới lớp bên trong. Do đó, những người này thường rất hay thoả hiệp với chất lượng áo sơ mi, đa phần chỉ cần thấy đẹp hoặc chấp nhận được.
Tôi lại nghĩ rằng sự tinh tế trong ăn mặc đến từ tổng thể và một chiếc áo sơ mi chất lượng tốt sẽ trở nên linh hoạt hơn rất nhiều khi bạn có thể mặc riêng với quần tây, không cần đến suit trong những ngày nóng nực hoặc chỉ vì hôm nào đó nổi hứng lên thì mặc 😀
Và đây là một số cách để chỉ ra chất lượng một chiếc áo sơ mi:
Chất liệu vải
Hiện nay chất liệu cotton vẫn được xem là lựa chọn tuyệt vời nhất cho áo sơ mi. Vải cotton thông thoáng, bền chắc và dễ dàng cho việc giặt là. Chỉ dùng để may những chiếc áo cao cấp sẽ là loại có mỗi đường được chập lại từ 2 sợi cotton (2 fold yarn). Hiệu quả mang lại cho sản phẩm sẽ là chất vải mềm mịn hơn loại chỉ đơn rất nhiều lần trong khi tuổi thọ vẫn được đảm bảo.
Các chất liệu vải có pha thêm polyester thường mang mục đích giúp áo đỡ nhàu nát. Càng nhiều tỉ lệ phần trăm polyester thì chiếc áo càng “lì”, khó nhăn và giúp các chàng trai tiết kiệm được thời gian là lượt và mục đích rõ ràng nhất là giảm thiểu chi phí sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia khuyên chân tình rằng: chẳng cần có một tí ti polyester nào trong chiếc áo của bạn. Tôi cũng thấy thế, polyester làm vải bóng lên một cách rất “rởm” và mang cảm giác sột soạt, rất khó chịu khi mặc lên người.
Cổ áo
Khác với các dáng áo casual, áo sơ mi formal đòi hỏi phải có phần cổ cứng cáp. Nếu phần đuôi cổ mềm đến mức dễ quăn và dễ bị bẻ oặt thì bạn cũng chẳng cần quan tâm gì đến chiếc áo đó nữa. Áo sơ mi cao cấp thường có đính kèm khe gài nẹp cổ (collar bone) giúp cố định chắc chắn hơn. Hoặc kiểu áo button down (có khuy cài ở gần 2 mép cổ) cũng là một lựa chọn không hề tồi chút nào.
Khuy áo
Chất liệu của khuy cài vẫn không quan trọng bằng cách chúng được gắn vào áo. Nếu hàng khuy được may cẩn thận và chắc chắn, không có cảm giác lỏng lẻo khi thử vặn vẹo một chút thì những chiếc khuy sơ cua đúng là chỉ dừng ở mức làm cảnh mà thôi 😀
Đường may
Đường may ở các phần trên áo phải thật đồng đều. Hãy soi thật kỹ điều này, nếu thấy bất kỳ đường may nào bị xô lệch hoặc bị sút chỉ thì cần xem lại chất lượng của nhãn hàng hoặc tay nghề của thợ may. Cổ áo và cổ tay, những nơi đòi hỏi sự chắc chắn thường có tới 10 mũi khâu trong khoảng 3cm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, áo sơ mi đẳng cấp thực sự lại cần đến 15 mũi khâu trên mỗi 3cm. Phần tay áo và đường viền 2 bên hông cũng nên có thêm đường may bổ sung (2 đường song song) để tránh sự co giãn khi cử động làm rão chất liệu vải.
Thiết kế
Nếu đó là kiểu áo kẻ sọc hay kẻ caro, bạn nên check thật kỹ càng đường chạy của những hoạ tiết đó xem có ăn khớp, và nối liền trơn tru giữa các đường may ở vai áo, sau lưng và đường nối giữa 2 bên thân áo hay không? Phần vạt áo phía sau cũng cần dài hơn phía trước một chút để tiện hơn cho việc sơ vin. Cũng liên quan đến việc sơ vin, nếu các lỗ khuy chạy dọc giữa áo được thùa khuyết theo theo đường dọc thì riêng ở chiếc khuy cuối cùng, nó nên nằm ngang để giúp áo bớt xô lệch khi sơ vin. Đó chính là một số chi tiết giúp củng cố thêm độ bền của áo mà bạn rất nên nói với thợ may của mình.
Ngoài ra, còn có khá nhiều tranh cãi trong việc nhận định chất lượng cho áo sơ mi formal.
Đường may ở chính giữa lưng áo, chia phần lưng ra làm 2 mảnh khá rõ ràng
Ví dụ như việc có thêm đường may phân cách ở giữa lưng áo (split yoke), có người cho rằng đó chỉ là một điểm nhấn mới mẻ cho chiếc áo nhưng cũng có người khẳng định đường phân cách đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự thoải mái cho người mặc khi nó giúp chống lại sự co giãn nơi vai áo qua những chuyển động ở 2 cánh tay.
Comentarios