top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Cách phân biệt da thật và giả da

Đã cập nhật: 14 thg 8

Xin phủ đầu luôn là tôi thích sử dụng da thật 😃. Những món đồ thường ngày như túi, ví, thắt lưng, giày, v.v…, tôi luôn cố gắng chọn những món tối ưu về giá tiền, phù hợp nhất với phong cách, sở thích của mình, nhưng phải là da thật. Tôi thấy hơi phi logic khi phải chọn chất liệu “nhái” lại tính chất của đồ thật, ví dụ như tại sao phải tìm một chiếc áo khoác “giả da nhưng nhìn xịn như da thật”? 😅. Rồi cuối cùng câu chuyện lại quay về cái kết là đồ giả da bị phồng, rộp, rách trong quá trình sử dụng, trong khi đồ da thật cứ thách thức thời gian, thậm chí còn đẹp lên theo cách rất tự nhiên.

Đó là ý kiến cá nhân, tôi biết đồ giả da có một lợi thế rất lớn là giá tiền. Và với công nghệ tân tiến hiện nay, người ta có thể cho ra những thành phẩm mà mắt thường cũng khó nhận ra đâu là thật, đâu là giả. Tôi cũng không điên rồ đến mức bài trừ đồ giả da, nhưng trang bị được thêm cho bản thân kiến thức về da để phân biệt cũng thú vị lắm chứ 😉.

Thế nào là da thật?


Da bò, bê, trâu, cừu, ngựa, nai, heo, v.v… Dù là da gì thì cũng có 4 nhóm chính dành cho da thật, bạn có thể xem vị trí của từng nhóm trong biểu đồ cắt lớp. Sắp xếp theo chất lượng từ cao đến thấp nhé:

  1. Full Grain

  2. Top Grain

  3. Genuine

  4. Bonded (da ép – không có mặt trong biểu đồ nhưng sẽ được giải thích trong bài viết, cứ yên tâm 😛)

Kỹ hơn về các lớp da nhắc đến ở trên nhé:

Full Grain

Là lớp trên cùng của da, được giữ trạng thái nguyên bản, không can thiệp xử lý chà nhám, đánh bóng bề mặt. Đây là loại da có chất lượng tốt nhất, và chỉ những chú bò được nuôi trong môi trường nghiêm ngặt, vệ sinh sạch sẽ mới có thể tránh những vết sẹo tổn thương trên da, đem lại thành phẩm bề mặt trơn tru, không lỗi. Nhưng thực tế thì ca này hơi khó bởi tính chất thuần tự nhiên, chắc chắn da Full Grain vẫn sẽ có “gợn” một chút. Phổ biến nhất hiện nay là Corrected grain, vẫn là da Full grain nhưng bề mặt được xử lý chà, mài để loại bỏ đi các vết sẹo, trầy, lồi lõm trước khi phủ một lớp bề mặt được tạo hình giống các hạt da tự nhiên.

Top Grain

Là loại da có chất lượng thứ 2 sau Full Grain, được tạo ra khi tách bỏ một phần lớp da trên cùng. Bề mặt Top Grain được chà xát nhiều lần cho thật mịn, sau đó được phủ một lớp bề mặt để tạo hình hạt da, hình vân theo mong muốn của nhà sản xuất.

Genuine

Lớp thứ 3 là loại da có chất lượng thấp nhất trong quá trình xử lý một tấm da. Genuine Leather – da lớp 3 mất đi toàn bộ lớp kết cấu bền chắc nhất của da nên nhà sản xuất thường sử dụng keo và chất tạo bề mặt để để trông giống với da Top Grain hay Full Grain. Lớp da Genuine bao gồm cả phần da lộn (Suede). Hồi mới bắt đầu tập tành ăn mặc, cứ nghĩ da lộn là loại da xịn lắm 🤪

Bonded (Da ép/cán)

Da ép là loại da sử dụng vụn, sản phẩm thừa từ quá trình xử lý các lớp da phía trên, trộn với keo, ép lại với nhau và phủ một lớp nhựa polymer để tạo bề mặt. Da ép vẫn có thành phần da thật nhưng các vật liệu nhân tạo can thiệp khá mạnh bạo.

Phân biệt da thật và giả da

Thôi không dùng từ giả da nữa, mà dùng từ “da nhân tạo” đi nghe cho khách quan 😌. Không phải là da thật thì sẽ là vải, sợi plastic qua các công đoạn, quy trình xử lý để cho ra đời thành phẩm giống như da thật. Có rất nhiều tên gọi cho da nhân tạo: synthetic leather, faux leather, eco leather, skai, vegan leather, leatherette, v.v… Chúng ta sẽ đi vào phần chính là phân biệt ngay đây:

Nhìn vào nhãn mác

Nghe khá là ngớ ngẩn nhưng đó là cách dễ dàng nhất để bắt đầu xác thực. Tất nhiên những món được làm từ da thật sẽ tự hào vỗ ngực: 100% real leather (không tính bọn ăn gian nói dối 😢) còn nếu làm từ da nhân tạo, họ cũng sẽ cố đưa từ “leather” vào nhãn mác, chính là tên gọi của các loại da nhân tạo đã nhắc đến ở trên. Nhưng real là real, nếu bí quá thì lôi từ điển ra tra nhé.

Xem đường viền da

Da nhân tạo sẽ có đường viền trơn nhẵn, mịn màng hoàn hảo trong khi trên một miếng da thật, đường viền sẽ gồ ghề hơn, còn có sự xuất hiện của lớp sợi nhỏ nữa.

Đường phiền da thật không qua xử lý (raw) và qua xử lý đánh nhẵn (burnished).

Đường viền da nhân tạo.

Lỗ chân lông

Da động vật cũng như da người thôi, cũng có lỗ chân lông và đây là chi tiết quan trọng để bạn phân định. Nhà sản xuất cũng có thể tạo hình lỗ chân lông trên da nhân tạo, nhưng sẽ là các hoạ tiết đồng nhất và bề mặt da thường bóng kiểu giả trân 😂. Trong khi trên da thật, các lỗ chân lông sẽ phân bố không đồng nhất, tạo nên hoạ tiết không đồng nhất. Da thật không hề hoàn hảo, nên vài vết xước, nhăn đôi khi lại là điềm tốt đó bạn ạ.

Da thật (bên trái) và da nhân tạo (bên phải).

Cảm nhận khi chạm tay

Tuỳ vào chất lượng, nhưng da thật sẽ vào sẽ có cảm giác mềm mại kèm độ đàn hồi tự nhiên. Da nhân tạo sờ vào hơi cứng tay, cảm giác “nhựa”, có độ co giãn cao.

Da thật (bên trái) và da nhân tạo (bên phải).

… Ngửi

Có lẽ bạn phải có kinh nghiệm lâu năm dùng da thật thì mới có thể áp dụng cách kiểm tra này. Nhưng thực tế là mùi da thật và da nhân tạo rất khác nhau bởi da nhân tạo mang nhiều thành phần hoá học nên cái mùi đặc trưng của nhựa không lẫn vào đâu được.

Nhìn vào mặt sau của tấm da

Theo lý thuyết thì mặt sau của miếng da thật sẽ là lớp da lộn nên cảm giác sần sùi khi sờ vào rất rõ. Còn da nhân tạo sẽ được may gia cố một lớp vải lưới hoặc vải mỏng ở mặt sau nên sẽ mịn màng hơn. Tuy nhiên, ngày nay nhiều thương hiệu cũng đã xử lý mặt sau của da thật, may đè lớp vải mỏng lên để nhìn sạch sẽ, sang chảnh hơn rồi.

Mặt sau của da thật sẽ có độ gồ ghề, thô ráp tự nhiên.

Đốt!

Thú thật là tôi cũng chưa thử cách làm này bao giờ 😰. Da thật có khả năng chống chịu lửa khá tốt, tất nhiên là nó cũng cháy thôi nhưng sẽ là kiểu cháy chậm, toả mùi khét giống như đốt sợi tóc. Trong khi đó, da nhận tạo sẽ cháy phừng phừng và có mùi khét lèn lẹt bởi thành phần nhựa mang gốc dầu petroleum.

Thử với nước

Thử nhỏ một giọt nước lên ví, nếu là da thật, bạn sẽ thấy bề mặt da thẩm thấu một chút sau vài giây (không tính da thật đã được phủ lớp chống nước). Và dĩ nhiên chất liệu nhựa của da nhân tạo sẽ hắt giọt nước sang một bên, giống như đổ nước vào lá khoai ấy 😉

Da thật (bên trái) và da nhân tạo (bên phải).

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page