Cũng giống như trang phục, quần áo, đồng hồ cũng cần có “fit” thoải mái đối với chủ nhân của chúng. Xin nhấn mạnh từ “thoải mái”, nó gắn với tính cá nhân nhiều hơn 😉
Nếu bạn thích cảm giác dây đồng hồ hơi “siết” cổ tay, tạo cảm giác chắc chắn? Ok thôi. Và cũng chẳng ai phán xét khi bạn đeo đồng hồ hơi lỏng một chút vì bạn… thích thế. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi như thế nào là một chiếc đồng hồ vừa vặn? Vừa tạo sự thoải mái nhưng cũng phải theo một tỉ lệ hợp lý nào đó?
Bởi một lẽ, sự cân đối bao giờ cũng khiến bạn yên tâm và thoải mái trong chuyện ăn vận, chọn đồng hồ cũng không phải là ngoại lệ!
Kích thước case đồng hồ
À, “case” hiểu rất đơn giản là vỏ ngoài của đồng hồ, chỉ thế thôi. Đây cũng là yếu tố rõ ràng và dễ nhận biết nhất về kích thước của đồng hồ. Kích thước case đồng hồ nam giới thường dao động từ 38mm đến 46mm.
Dưới 38mm: Quá nhỏ, thường nằm ở phân khúc đồng hồ nữ mất rồi 😱
Trên 46mm: Quá to, cảm giác đeo vào như thiết bị biến hình của Power Rangers chứ không phải đồng hồ nữa…
Trước tiên, hãy tìm một cái thước dây để đo kích thước cổ tay của bạn đã:
– Chu vi cổ tay từ 15cm đến 17cm: Case đồng hồ 38mm, 40mm và 42mm
– Chu vi cổ tay từ 19cm đến 20cm: Case đồng hồ 44mm-46mm
Độ dày case đồng hồ
Có một quy tắc về tỉ lệ của đồng hồ: Đường kính case đồng hồ tăng thì độ dày cũng tăng, đường kính giảm thì độ dày cũng giảm theo, tỉ lệ thuận với nhau.
Thường thì case 38mm đến 42mm sẽ có độ dày loanh quanh tầm 7mm. Còn case 44mm thì độ dày rơi vào tầm 9mm hoặc thậm chí còn hơn.
Chiều rộng dây đeo
Một chiếc đồng hồ có tỉ lệ cân đối thường có dây rộng bằng một nửa so với đường kính case. Ví dụ bạn đeo một chiếc có đường kính 40mm thì chiều rộng của dây sẽ vào tầm 20mm. Tuy nhiên đây cũng chỉ là lý thuyết mà thôi, trên thực tế thì có vô vàn style cho đồng hồ và mỗi hãng lại có sự tính toán riêng của mình, như thế mới có nhiều kiểu dáng cho bạn chọn chứ 😉
Tôi thường chọn loại có dây nhỏ vì cổ tay khá bé. Còn ngược lại, cổ tay càng to thì nên chọn dây bản to để chiếc đồng hồ trở nên hài hoà với vóc dáng của bạn.
Để đo được chính xác chiều rộng của dây đeo, bạn nên dựa vào khoảng cách giữa 2 tai (lug – phần nối để lắp dây) trên vỏ đồng hồ.
Chất liệu dây đeo
– Dây da (leather) mang đến sự gọn gàng cho chiếc đồng hồ
– Dây kim loại, dù có cùng kích thước với dây chất liệu da đi chăng nữa thì vẫn luôn đem đến cảm giác to và nặng hơn
Chi tiết trên đồng hồ
Kích thước số, kim đồng hồ cũng đóng vai trò quan trọng và vẫn xoay quanh câu chuyện của sự cân bằng mà thôi. Ví dụ chiếc đồng hồ của bạn có kích thước chỉ từ 38mm đến 40mm nhưng số lại thuộc dạng… ngoại cỡ thì trông cũng ngứa mắt lắm đấy 😅
Comments