Trên sàn catwalk, thời trang nam giới hoàn toàn có thể trở nên bùng nổ về màu sắc và họa tiết. Và nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể bùng nổ như thế ở ngoài đời 😂. Nhưng hết sức cẩn trọng nhé, họa tiết có thể nâng tầm hoặc phá hủy hình ảnh của bạn một cách nhanh chóng, ranh giới là vô cùng mong manh nếu chọn không đúng cách. Cũng như màu sắc, họa tiết cần hòa hợp với trang phục tổng thể, ăn nhập với hoàn cảnh và tôn vinh vóc dáng của bạn.
Trước khi tiến xa hơn, có lẽ chúng ta cần bình tĩnh ngồi xuống và tìm hiểu sự khác biệt, tên gọi của những họa tiết thông dụng nhất. Chậm mà chắc vẫn hơn nhỉ 😉
Kẻ Gingham
Bắt nguồn từ “genggang” trong tiếng Malaysia nghĩa là “sọc”, gingham du nhập vào châu Âu từ thế kỷ thứ 17, để từ đó, các mẫu thiết kế gingham đã phát triển từ sọc trơn biến thành kẻ ca rô chìm. Đặc điểm cơ bản của loại vải này là có hai màu sắc, với độ đậm nhạt khác nhau. Khác với các loại vải dệt khác, gingham đặc biệt không có mặt trái – phải hoặc ranh giới giữa chúng là không rõ ràng.
Có thể nhiều người nhìn họa tiết Gingham và bĩu môi: “Nhìn như cái khăn trải bàn”. Đó đúng là nỗi “ấm ức” mà Gingham phải mang theo nhưng xét về mức độ phổ biến và dễ mặc, Gingham luôn đứng ở top đầu.
Kẻ sọc Pinstripes
Có thể coi Pinstripe là “thủy tổ” của rất nhiều biến thể kẻ sọc bạn có thể tìm thấy ngày nay nhưng nếu bạn tìm đến sự nguyên bản thì Pinstripes chỉ những đường kẻ sọc mảnh, được tạo thành bởi các chấm nhỏ có kích thước không lớn hơn đầu đinh ghim (Pin). Chính vì thế, Pinstripes là những đường kẻ đứt quãng, không liền mạch.
Nguồn gốc của Pinstripes vẫn còn gây nhiều tranh cãi, có người cho rằng họa tiết này xuất phát từ đồng phục của dân ngân hàng, người lại quả quyết rằng Pinstripes bắt nguồn trên áo đấu thể thao, sau đó mới chuyển sang trang phục thường ngày. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, Pinstripes đã và đang xuất hiện ở mọi nơi, thích ứng với mọi trường phái phong cách, từ cổ điển cho đến hiện đại.
“Nanh sói” Houndstooth
Họa tiết Houndstooth hay còn gọi là họa tiết “nanh sói”, “răng chó”, răng cưa hay zigzag, là họa tiết với 4 góc cài răng lược theo lối trừu tượng, thường có hai màu đen trắng đan xen nhau và xuyên suốt trên lớp vải. Bạn có thể bắt gặp biến thể nhiều màu khác nhau như xám, nâu, đỏ, xanh, v.v… nhưng bất kể là màu sắc gì đi chăng nữa, phải kết hợp với màu trắng thì mới có thể gọi là Houndstooth.
Houndstooth bắt nguồn tại Scotland từ những năm 1800, xuất hiện trên áo khoác ngoài của dân chăn cừu. Houndstooth phổ biến nhất trên vải áo khoác chất liệu tweed và len wool, là lựa chọn yêu thích của những nhà thiết kế nổi tiếng như Chanel, Moschino, Alexander McQueen, v.v…
Kẻ ô vuông Tartan
Tartan là họa tiết kết hợp nhiều đường kẻ ngang, dọc vuông góc với mật độ, khoảng cách và màu sắc bất quy tắc. Từ thế kỷ 14, trên vùng cao nguyên Scotland, các thợ dệt len đã kết hợp những đường kẻ sọc ngang và dọc để cho ra nhiều họa tiết độc đáo khác nhau. Từ đây, người dân Scotland dựa vào họa tiết trên trang phục để phân biệt giữa các gia tộc hoặc vùng miền cụ thể. Tên gọi tartan cũng ra đời vào khoảng thời gian đó, họa tiết này gắn liền với chiếc váy kilt, trang phục truyền thống của đàn ông Scotland.
Thống kê “sương sương” thì trên thế giới có hơn 7.000 thiết kế họa tiết tartan khác nhau và mỗi năm lại ra đời thêm gần 150 mẫu mới. Từ Burberry, Alexander McQueen cho tới Vivienne Westwood, kẻ tartan chinh phục từ thời trang đường phố cho tới sàn diễn sang chảnh. Tartan là kiểu họa tiết đặc biệt, mang sự mâu thuẫn thú vị: vừa có tính di sản, vừa chất chứa sự nổi loạn. Vậy nên cũng chẳng bất ngờ khi Tartan là nguồn cảm hứng bất tận của thời trang cho đến ngày nay.
Prince of Wales
Họa tiết Prince of Wales bao gồm các khối vuông nối tiếp nhau, mỗi khối vuông lại mang họa tiết riêng như Houndstooth, Nailshead (đầu đinh), tạo nên sự cân xứng hoàn hảo. Prince of Wales thường xuất hiện trên áo khoác overcoat, áo khoác blazer, quần và phụ kiện như mũ flat cap, khăn quàng, v.v…
Trở về những năm 1800, khi Prince of Wales bắt đầu xuất hiện trên trang phục của người dân Vương Quốc Anh, lúc này, các địa chủ Anh di cư đến Scotland để giao thương buôn bán. Nơi đây, họ không được mặc các thiết kế trang phục của thị tộc bản địa, vì vua George IV yêu cầu các thành viên của thị tộc phải mặc đồ “khác màu và họa tiết”. “Nhập gia tùy tục”, những người nhập cư mới chọn một loại họa tiết khác cho trang phục của họ, được đặt tên theo tên gọi của một thung lũng ở Inverness Shire là “glenurqhart plaid”.
Dần dần, họa tiết này trở thành một phần cốt lõi trong ngành dệt của Anh Quốc, được gọi là “glen plaid” hoặc “glen check”.
Từ thời đại của vua Edward VII hay còn gọi là Công tước xứ Wales, ông chọn họa tiết glen check cho bộ suit của mình và lấy tước hiệu “Prince of Wales” làm tên gọi cho họa tiết này luôn. Đó chính là ngọn nguồn cho cái tên gọi rất kêu ấy.
Họa tiết quả trám Argyle
Thêm một họa tiết có xuất xứ từ Scotland, thật ra Argyle là một dạng họa tiết Tartan biến thể của Thị tộc Campbell ở vùng Argyll, phía Tây Scotland. Hoạ tiết này được áp dụng trên váy kilt và tất dài của người dân vùng cao nguyên với các lớp họa tiết chồng lên nhau theo hình kim cương.
Ở thời hiện đại, họa tiết quả trám mang đậm dấu ấn thể thao khi xuất hiện thường xuyên trên trang phục bộ môn đánh golf. Với trang phục thường ngày, bạn có thể chọn áo len và tất mang họa tiết quả trám để tạo nên điểm nhấn tinh tế cho phong cách của mình.
Comments