Có một điều tôi luôn mong muốn độc giả nhớ nằm lòng mỗi khi đi mua sắm, đó chính là sự vừa vặn. Dịp sale cuối năm này là một ví dụ rất điển hình để làm lộ ra sự thiếu kiên nhẫn của bạn. Thế này nhé, chiếc áo ao ước bấy lâu nay của bạn bỗng dưng giảm giá chỉ còn một nửa, có điều size M đã hết. Bạn chép miệng bỏ qua và mang về một chiếc size L rộng thênh thang. Để rồi chẳng mấy khi bạn đụng đến nó nữa, đơn giản là bởi món đồ đó phá hỏng form dáng, sự gọn gàng trong phong cách của bạn. Đó có còn là chiếc áo yêu thích nữa không vậy?
Với suit, thứ trang phục có nhiều hơn những quy định, quy tắc bắt buộc phải theo thì sự vừa vặn còn quan trọng hơn gấp tỉ lần. Thật khó chịu mỗi khi ra đường nhìn thấy những bộ suit theo “phong cách Hàn Quốc” với vạt áo ngắn cũn cỡn, tay áo, ngực áo bó ép chặt đến… tắc thở. Bạn của tôi, trước khi chọn lựa chất liệu, màu sắc, hay cả đống các chi tiết nhỏ nhặt theo sau, hãy chắc rằng bộ suit đó vừa vặn, kể cả là hàng may sẵn hay đi may đo đi chăng nữa. Dưới đây sẽ là những dấu hiệu nhận biết sự vừa vặn của một bộ suit để phục vụ cho việc “đo đạc” của bạn:
Cổ
Ôm sát áo sơ mi bên trong, không xảy ra hiện tượng nhấc cổ mỗi khi làm động tác cúi gập người
Vai
Dù là loại có miếng độn vai hay không thì phần vai của áo suit phải thực sự bám sát vào đường cong của vai, không xảy ra hiện tượng xô lệch ở vai vì rộng hay ép sát gây nhăn nhúm vì chật.
Nói tóm lại, vai của bạn rộng đến đâu thì chiếc áo phải đi theo tới đó. Nhân đây tôi cũng khuyên bạn nên chọn loại áo có độn vai vừa đủ, không cần quá dày đâu vì như thế sẽ tạo nên sự cứng ngắc cho form dáng, chưa kể đến cảm giác nặng nề hai bên vai nữa.
Ngực
Áo cài khuy dễ dàng, ngực áo ôm vừa đủ, không phải là kiểu chật đến mức làm nhăn nhúm hết cả áo sơ mi mặc bên trong. Có một cách test đơn giản: cài khuy áo, luồn nắm đấm tay vào bên trong, khoảng cách giữa áo suit và áo trong không rộng hơn một nắm tay như thế là ok.
Vạt áo
Buông lỏng hai cánh tay, nắm hờ hai bàn tay lại, nếu đầu ngón tay chạm được vào vạt áo là ổn. Trường hợp đầu ngón tay không “với” được vạt áo, chứng tỏ chiếc áo đó ngắn, còn khi cầm được hẳn vạt áo trong bàn tay thì đó là một chiếc áo quá dài.
Vạt áo sau cũng phải che được vòng 3 của bạn, hoặc chí ít cũng phải che được điểm tròn trịa nhất của vòng 3.
Tay áo
Rất đơn giản, tay áo suit vừa vặn phải chừa ra khoảng 2-2,5cm cho tay áo sơ mi bên trong lộ ra ngoài. Khi làm động tác ôm, đưa tay về phía trước (giống như đang bắt tay), bạn phải cảm thấy thoải mái, tay áo không bị xê dịch đi quá nhiều. Đây cũng là cách thử cho bộ phận cổ, vai, ngực ở trên.
Quần
Những ai hay mặc jeans cạp trễ (như tôi chẳng hạn :D) sẽ có cảm giác cạp hơi cao, chính xác là cách rốn khoảng 3-4cm, cạp sau phải vừa khớp với phần xương hông. Về độ dài, bạn có thể đọc thêm bài viết về độ dài của quần tây.
Một số điều cần chú ý thêm
Ve áo có hai loại: notch (khía hình chữ V) và peak (khía hình chóp nhọn). Notch là kiểu cơ bản nhất, phù hợp với môi trường công sở cũng như nhiều dịp khác nhau. Còn peak lại mang hơi hướng cổ điển, thể hiện sự mạnh mẽ. Các quý ông từ xưa thường chọn ve áo nhọn như thế để tạo sự nổi bật cho phong cách của mình. Nếu đang phân vân, hãy chọn ve áo notch nhé bạn 😉
Notch (bên trái) và Peak (bên phải).
Ve áo phải có bề rộng tương ứng với bề rộng của vai. Vai bé, vóc dáng bé mà lại chọn ve áo rộng thì không khác gì bộ đồ đang “nuốt” người cả :<
Với áo suit 2 khuy (loại phổ biến nhất), KHÔNG BAO GIỜ được cài khuy dưới
Khi đi thử suit, cần mặc sẵn áo sơ mi và đi giày tây phù hợp để có được “bức tranh toàn cảnh”. Nên kéo thêm bạn bè đi cùng để có được đánh giá khách quan.
Comments