top of page
gold_render_edited.png
Ảnh của tác giảTom Goedhart

Mắt thẩm mỹ – Bẩm sinh hay rèn luyện?

Chúng ta ở đây chắc hẳn phần lớn là con nghiện menswear, mà như người ta thường nói; “đã nghiện sã cánh thì liêm sỉ gì tầm này”, ấy thế nhưng tôi lại là một người làm khoa học, vậy nên tôi lại thường viết bài mổ xẻ cái sự nghiện này theo một cách hàn lâm nhất có thể… Để làm gì ấy à? Vì tôi thích. Mà tôi thì có 2 quan điểm chính về mọi vấn đề trong cuộc sống, quan điểm thứ nhất là “vì thích” và quan điểm thứ hai là “thì thôi”.

Xét một cách toàn diện, thì khả năng mặc đẹp có thể chia thành 4 yếu tố ràng buộc với nhau: mắt thẩm mỹ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực. Ở đây tôi đang nói đến khả năng mặc đẹp chứ không phải mặc có bản sắc riêng, cho nên không thêm vào yếu tố personal taste – sở thích cá nhân. Và cũng không có yếu tố kiến thức, vì trên thực tế, lý thuyết đơn thuần chỉ là một màu xám xịt mà cây đời thì mãi xanh tươi; bạn không cần quá nhiều kiến thức để có thể mặc đẹp, quan trọng là áp dụng được kiến thức vào 3 yếu tố trên. Thời điểm này khác xa vài năm trước, kiến thức menswear giờ phá giá lắm rồi, sách vở, tài liệu, kênh thông tin rất nhiều; việc viết một bài kiến thức đơn thuần/câu chuyện lịch sử không còn gì ghê gớm nữa; năng lực áp dụng kiến thức trong thực hành mới tạo ra sự khác bọt.

Lý thuyết đơn thuần chỉ là một màu xám xịt mà cây đời thì mãi xanh tươi…

Trong bài viết này, tôi sẽ nói về mắt thẩm mỹ (MTM) – thứ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn mặc, bạn nghĩ rằng yếu tố này là bẩm sinh hay rèn luyện?


Chắc hẳn ai yêu thích cái đẹp đều cảm thấy câu hỏi này nhảm nhí, vì chúng ta đều hiểu câu trả lời là “cả hai”. Đúng vậy, và như thế thì có nghĩa là:


– Những người có MTM (bẩm sinh hoặc nền tảng từ những bộ môn khác) tốt thì sẽ có một ưu thế rõ rệt trong cuộc chơi; điều ấy là không công bằng, cũng như chuyện chơi thể thao vậy. Một người có MTM bẩm sinh tốt nhưng thiếu chuyên môn sẽ có xu hướng tự thân mặc đẹp nhưng lại không thể hướng dẫn người khác mặc đẹp giống mình. Ở chiều ngược lại, bạn có thể copy outfit, học hỏi kiến thức nhưng MTM thì không học được của người khác, chỉ có tự mình rèn luyện.


– Việc rèn luyện MTM nên được đầu tư một cách nghiêm túc, và gắn liền với kinh nghiệm.


– Trong phần lớn trường hợp, MTM bẩm sinh của bạn không tốt như bạn tưởng, nên trong giai đoạn beginner, kiến thức cơ bản là thứ đáng tin cậy hơn. Hơn thế nữa, “we only see what we know”, vậy nên kiến thức là thứ giúp bạn thực sự “mở mang tầm mắt”.

Đánh giá trình độ ăn mặc của 1 người phải là quá trình chứ không chỉ dựa vào một vài bức ảnh.

– MTM bị chi phối bởi nhiều đặc điểm cá nhân, trong đó có sự tự tin và ngoại hình (mình có thể mặc đẹp item/ màu này được không?)


– Cách trực tiếp nhất để luyện MTM là nhìn nhiều, nhưng cần tự trang bị kiến thức hoặc tham khảo người đi trước để đánh giá (chơi bộ môn gì thì có bạn có phường cũng vẫn là có cái hay). Lưu ý thêm là nên đối chiếu qua lại giữa những người đi trước chứ không nên “mê tín” theo từng cá nhân; việc đối chiếu giữa các tiền bối cũng là cách hay để bạn tìm ra điểm riêng biệt trong MTM của họ.– Những cá nhân nổi bật trong cộng đồng (tôi không thích dùng từ KOL hay đại loại thế) cũng có lúc mặc xấu, vì đôi khi họ mạo hiểm thử nghiệm cái mới hoặc vì họ lên hình rất nhiều, cho nên đừng thấy người đó có fame thì luôn là đúng luôn là đẹp. Mặt khác, đánh giá trình độ ăn mặc của 1 người phải là quá trình (nhiều ảnh) chứ không phải vài bức ảnh ngắn hạn.

– Mắt thẩm mỹ của đại chúng không có nhiều giá trị chuyên môn, nhưng có nhiều giá trị tham khảo vì ăn mặc là áp dụng thực tế, bạn mặc chuẩn chỉ abc gì đó và cho rằng mình đẹp trong khi mọi người xung quanh thấy bạn xấu thì bạn cũng đã fail trong việc gây ấn tượng trong mắt người khác; lời khen của đại chúng cũng k đáng tin vì bị chi phối bởi quan hệ (bạn bè, người quen nể không dám chê) và địa vị (bạn giàu, bạn nổi tiếng, bạn làm admin etc thì người ta sợ không dám chê).


Tại sao cần phức tạp hóa việc ăn chơi thành cái gì đó khoa học thế, thì đơn giản vì “luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không; luyện công bất luyện quyền, hậu thế thất nhân truyền”. Hơn nữa, nghiện mà vẫn đề cao cái thứ mình nghiện, ấy mới là con nghiện chân chính; cuộc đời vẫn đẹp sao, liêm sỉ vẫn còn cao. Tổng kết lại, xây dựng phong cách bằng trí óc, ăn mặc bằng con tim!


Be classy, be nice!

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page