Bài viết trước về những gạ thợ cạo bặm trợn của Schorem có vẻ được rất nhiều bạn quan tâm. Quả thực lúc viết bài đó, tôi cũng “rạo rực” và cứ phải xuýt xoa vì cái tiệm cắt tóc nho nhỏ mà cực chất ấy. Nếu có cơ hội đến Rotterdam, Hà Lan, chắc chắn sống hay chết tôi cũng phải ghé qua Schorem ít nhất là 1 lần. Không mê sao được khi những mái tóc pompadour, slick-back dưới bàn tay của những gã xăm trổ ấy cứ đẹp đến rùng mình!
Bertus, gã “đồ tể” sáng lập ra Schorem
Cũng vì thế, tôi xin được giới thiệu đoạn phỏng vấn Bertus, gã “trùm” của Schorem về nghề thợ cạo. Nếu mê mệt Schorem và những thợ cạo xăm trổ đầy mình ở đây, chắc chắn bạn sẽ muốn nghe Bertus kể lể về nghề nghiệp của mình. Cũng như là để bạn hiểu hơn về khái niệm “thợ cạo” và nhà tạo mẫu tóc. Cùng là về tóc, hai “phân khúc” này khác nhau ở điểm nào? Và điều gì khiến những gã thợ cạo Schorem lại trở nên quý giá đến vậy? Đoạn phỏng vấn này do Barbereile thực hiện.
Để bắt đầu, xin mời anh giới thiệu một chút về bản thân với bạn đọc!
Bertus: Tên tôi là Bertus và là một trong hai người thành lập nên Schorem, Haarsnijder en Barbier. Schorem là từ ngữ đường phố ở Hà Lan với nghĩa “scumbags” (những gã xấu xa, đáng khinh) nhưng cũng có thể dịch ra là “I shaved”, trong khi Haarsnijder en Barbier là từ Hà Lan cổ có nghĩa “haircutter and barber”. Tôi bắt đầu mở tiệm từ năm 2011 với cậu bạn thân Leen tại Amsterdam. Chúng tôi đã theo nghề cắt tóc được 22 năm và biết nhau đến 19 năm trong khoảng thời gian đó.
Leen và Bertus
Cho đến nay Schorem đã là cái tên vô cùng danh tiếng. Anh có thể chia sẻ một chút về kỹ năng “thợ cạo” mà anh áp dụng với khách hàng của mình?
Chúng tôi thực sự mong muốn sự hoàn hảo đến với từng khách hàng. Yếu tố khác biệt nhất giữa nhà tạo mẫu tóc (hairdressing) và thợ cạo (barbering) đó là tạo mẫu tóc đòi hỏi sự sáng tạo, nghệ thuật trong khi là một anh thợ cạo, quan trọng nhất là tay nghề vững chắc. Thợ cạo phải có mắt nhìn tinh tế, đôi bàn tay khéo léo để chỉnh sửa, “bảo dưỡng” cho những kiểu tóc quen thuộc của khách hàng hết lần này đến lần khác. Điều này nghe thì có vẻ nhàm chán nhưng ở Schorem, chúng tôi coi đó là một thử thách. Chỉ có lòng tâm huyết và sự say mê mới khiến khách hàng hài lòng và cảm thấy mới mẻ trước một thứ đã gắn bó với họ từ rất lâu.
Schorem còn được biết đến với “món” cạo râu sử dụng khăn chườm nóng. Anh có thể chia sẻ một chút về nó không?
Bertus: Chúng tôi sử dụng 2 loại dao. Loại thứ nhất là dao cạo cổ điển, nhưng đó phải là dao của riêng khách hàng. Khách quen thường để lại dao ở tiệm, chúng tôi lưu trữ chúng ở tủ gương, dán tên cho từng người một. Loại thứ 2 là lưỡi dao lam dùng 1 lần, dành cho hầu hết các khách hàng.
Cạo râu áp dụng phương pháp chườm khăn nóng cổ điển ở Schorem
Thực ra thì Schorem kết hợp cả phương thức chườm khăn nóng lẫn khăn lạnh. Khăn sẽ được ngâm vào nước nóng kèm theo vài giọt tinh dầu oải hương giúp khách hàng thư giãn. Tác dụng của khăn nóng thì chắc ai cũng đã rõ: Giúp giãn nở lỗ chân lông và hỗ trợ việc cạo râu được trơn tru hơn. Sau khi cạo râu xong, khăn lạnh với tinh dầu bạc hà sẽ mang lại sự tỉnh táo.
Mọi việc sẽ bắt đầu với chiếc khăn nóng, sau đó bôi đều kem cạo râu nóng, mát-xa nhẹ nhàng vùng râu cần cạo. Tiếp theo đó, việc cạo ra sao cho thật sát mà không gây “sứt mẻ” gì cho khách hàng là cả một nghệ thuật nằm trong tay người thợ cạo. Cạo xong thì lại ủ khăn nóng một lần nữa trước khi bôi kem dưỡng. Bước cuối cùng là chườm khăn lạnh để gạt bỏ mọi bụi bẩn trên mặt, thêm một chút kem aftershave nữa. Cũng phải nói thêm là chúng tôi cất aftershave vào tủ lạnh để khách hàng có cảm giác “tê” một cách vô cùng phấn khích.
Nghe tuyệt quá! Bây giờ nếu bị bỏ rơi trên hoang đảo để hành nghề cắt tóc, chỉ có 2 phút trước đó đủ để vơ lấy đồ nghề, anh sẽ chọn món gì và tại sao?
Bertus: Haha, lạc vào hoang đảo thì làm gì có khách mà phải suy nghĩ. Nhưng thôi, tôi hiểu ý của câu hỏi này nên sẽ trả lời ngay. Tôi sẽ cầm vài con dao cạo yêu thích của mình và cả miếng da mài dao nữa. Còn nếu là món đồ nghề yêu thích của tôi, chắc chắn tôi sẽ khó mà sống thiếu chiếc tông đơ Wahl Super Taper và lược. Có 2 món đó trong tay, tôi có thể thực hiện bất cứ kiểu tóc nào.
Cửa tiệm của anh còn có sự xuất hiện của vài người học việc. Anh tuyển mộ họ ra sao? Họ tự tới với anh hay anh phải bỏ công đi tìm kiếm?
Bertus: Cả 2 ý trên đều đúng. Chúng tôi đều có cảm giác mình đang góp phần tạo nên sự thay đổi cho nghề tóc ở Hà Lan. Bạn phải hiểu là tại đất nước này, chẳng còn trường đào tạo nghề thợ cạo nữa. Tôi là một trong những học viên cuối cùng được chọn lựa giữa nghề cắt tóc nam, cắt tóc nữ hay unisex. Bây giờ thì chỉ còn nghề cắt tóc unisex trong các trường học, có nghĩa là bạn sẽ phải học tất cả, bao gồm cả nhuộm tóc và uốn xoăn. Bạn thấy đấy, thợ cạo là nghề đang chết dần chết mòn ở đây.
Đó cũng là vấn đề của tôi trong việc đi tuyển mộ, làm sao để tìm được người thực sự phù hợp, và quan trọng hơn người đó phải hiểu nghề và có đam mê thực sự. Học viên đầu tiên của chúng tôi là một gã chơi trượt ván, skater boy chính hiệu đấy! Nghề chính của hắn lúc đó là nhân viên xử lý rác. Và bây giờ, sau 1 năm rưỡi rèn luyện và học hỏi không ngừng nghỉ, hắn đã là một trong những thành viên chính thức của Schorem.
Cấp độ nào anh mong muốn họ đạt tới trước khi bước ra khỏi danh nghĩa “thợ học việc”? Và việc học nghề này có mất chi phí như những trường đào tạo không?
Bertus: Không có cấp độ hay đẳng cấp gì cả, điều chúng tôi chờ đợi chính là niềm đam mê và tình yêu đối với nghề. Schorem cực kỳ yêu quý những người chăm chỉ làm việc. Ai cũng có thể đến với Schorem, tuổi tác không thành vấn đề. Trước đây bạn từng làm nghề gì hoặc thậm chí có từng “bóc lịch” đi chăng nữa tôi cũng chẳng cần quan tâm nếu bạn thực sự muốn trở thành một gã thợ cạo đúng nghĩa. Cũng không có chuyện chi phí đâu nhé!
Anh nghĩ sao về những thợ cạo là nữ giới?
Bertus: Cũng không có sự khác biệt quá lớn. Nhưng tôi nghĩ rằng là đàn ông chiếm lợi thế lớn, bởi bạn đã có kinh nghiệm về chuyện râu tóc của chính mình. Đàn ông sẽ “cảm” được khách hàng dễ hơn là nữ giới. Chúng tôi cũng có dịp may được gặp gỡ với những cô thợ cạo chuyên nghiệp, ví dụ như Linda ở Waldorf.
Cảnh “thác loạn” thường ngày ở Schorem
Schorem là nơi chỉ có đàn ông, phụ nữ không được bén mảng vào đây, kể cả người đó có là bà vợ thân yêu, mẹ hay con gái tôi đi chăng nữa. Chúng tôi muốn tạo ra một điểm hẹn đặc biệt cho những gã đàn ông, họ có thể ngồi đây và đọc Playboy, nốc bia, hút cigar và nói chuyện bậy bạ tuỳ thích. Chúng tôi yêu quý phụ nữ nhưng cũng yêu cả những giây phút chỉ có một lũ đàn ông với nhau.
Cảm ơn anh, Bertus về những chia sẻ rất sâu sắc. Một lời nhắn nhủ để kết thúc buổi trò chuyện thú vị này thì sao nhỉ?
Bertus: Chúc vui vẻ và hãy tự hào mình là một thợ cạo, nghề tuyệt vời nhất trên thế giới này!!!
Comentarios