Có thể tại Việt Nam, “mặc gì đi làm” chẳng phải vấn đề gì quá quan trọng. Nhưng trên thế giới, sau gần 2 năm trời công việc gắn liền với những cuộc gọi Zoom, quanh quẩn với đồ ngủ hay những bộ đồ theo chủ nghĩa “bất cần”, chuyện trang phục đi làm bỗng được lôi ra bàn tán. Người ta tò mò không biết sau chừng ấy thời gian, tiêu chuẩn của vẻ nghiêm túc, tính lịch sự nơi công sở có gì thay đổi.
Chúng ta sẽ đến với 5 câu hỏi và trả lời về quy tắc “business-casual” phiên bản 2022, để xem đâu là giới hạn cho sự thoải mái nơi công sở. Mong rằng độc giả cũng sẽ tìm ra cách dung hòa giữa sự thoải mái và tính lịch sự thông qua bài viết này.
(Bài viết có tham khảo nội dung từ The Wall Street Journal)
Quần như thế nào là quá casual cho trang phục mặc đi làm? Có thể mặc quần nỉ hoặc quần jeans không?
Công sở, văn phòng không phải là chỗ để bạn diện quần nỉ, joggers. Nhưng cũng chẳng thiếu những mẫu quần với dây rút (drawstrings) hay cạp chun, thiết kế nhã nhặn chẳng khác gì quần tây mà còn tạo sự thoải mái tối đa. Quần jeans ngày nay hoàn toàn phù hợp với môi trường công sở, nhưng nên là các loại quần trơn, sẫm màu. Đừng mặc jeans rách đi làm!
“Tôi đi Crocs mọi ngày khi WFH. Crocs đã trở thành một phần của tôi mất rồi. Đi làm mang Crocs có được không?”
Nếu bạn không phải là bác sĩ hay đầu bếp thì xin lỗi, Crocs là thứ KHÔNG THỂ PHÙ HỢP trong bất cứ hoàn cảnh nào. May mắn thay, ngày nay đã có rất nhiều sự thay thế cho đôi giày da buộc dây Oxfords. Đơn cử như sneakers, những thiết kế “câm”, trầm và tối giản của Common Projects, CQP, Artisan Lab, v.v… với màu da giày trùng với đế giày tạo cảm giác bạn đang diện giày tây đi làm chứ không phải một đôi Air Jordan sặc sỡ. Nếu bạn lười buộc dây? Đã có giày loafers, mang cùng tất dài lẫn tất ngắn dưới mắt cá chân đều ok hết!
Nên chọn loại áo khoác gì?
Mark Cho, đồng sáng lập của Armoury, tiệm may đo cho nam giới tại New York và Hongkong cho biết họ đang rất đắt hàng với sản phẩm blazer, sport jacket. Khách hàng của họ cũng hết sức đa dạng về nghề nghiệp, từ giới chức văn phòng, dân công nghệ, nghệ sĩ, v.v… Đặc biệt là màu sắc được chọn cũng thể hiện sự phóng khoáng hơn, những tông màu “phi cơ bản” như xanh da trời nhạt, đỏ burgundy, xanh olive, nâu rất được ưa chuộng.
Những mẫu áo khoác mang hơi hướng casual nhưng ở tông màu trơn cùng thiết kế đơn giản như bomber jacket, shirt jacket cũng đang được trưng dụng bởi sự thoải mái và linh hoạt đúng theo nhu cầu số đông.
Nói vậy thì bộ suit mang hình ảnh chỉn chu đã mất vị thế rồi sao?
Nếu muốn cho đối tác thấy sự tôn trọng của bạn dành cho họ và cuộc hẹn, không gì hơn một bộ suit chỉnh tề. Nhưng thực tế thì số lượng đàn ông diện suit hàng ngày đã ít đi rất nhiều so với thời trước đại dịch. Ngay đến cả những người ngày nào cũng đóng bộ thắt caravat, nay tủ đồ cũng đã “mềm” đi rất nhiều.
Phong cách phối đồ tách rời (separates) trở nên phổ biến hơn bởi sự linh hoạt là điều mà ai cũng hướng tới. Đàn ông có tư duy phối đồ theo cùng tông màu nhiều hơn là một bộ suit ton-sur-ton. Ví dụ áo khoác màu nâu sẽ đi kèm quần chinos màu beige. Áo mặc bên trong cũng không nhất thiết phải là sơ mi, mà có thể là t-shirt hoặc áo len.
Vậy còn khâu là ủi đồ thì sao?
Mặc áo sơ mi, quần tây có ly, không là ủi đồ thì còn ra cái thể thống gì? Nhưng khi con người trở nên lười biếng với chiếc bàn ủi, cũng là lúc áo polo, áo len lên ngôi thay thế. Bạn có thể mặc đồ len vài ba lần trước khi giặt, cũng chỉ cần gấp lại, xếp gọn gàng khi bảo quản. Hơn hẳn một chiếc áo sơ mi chứ?
Comments