Với trào lưu mặc suit đang phát triển mạnh, không khó để tìm thấy loại trang phục này tại hàng loạt các shop thời trang, nhà mốt và hiệu may tại Việt Nam. Tuy nhu cầu mặc suit là có thật, nhưng suit ở Việt Nam, ít nhất là tại thị trường Hà Nội, vẫn chưa thật chất lượng. Phần lớn sản phẩm chỉ tập trung vào phục vụ thị hiếu và làm thương mại mà bỏ qua những tiêu chuẩn thậm chí là cơ bản nhất.
Vậy làm thế nào để biết được đâu là một bộ suit tốt? Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với độc giả những điểm cơ bản nhất để nhận biết một bộ suit chất lượng.
Suit có 2 phần: 1 là chiếc áo “jacket” (ở Việt Nam gọi là áo đờ-mi) và 2 là chiếc quần âu. Dưới đây là cách đánh giá nhanh từng phần:
ÁO
VAI ÁO
Vai áo bắt buộc phải đúng số đo vai của người mặc. Vai quá chật, bạn sẽ khó cử động. Vai rộng (lỗi phần lớn các nhà may và người dùng mắc phải) sẽ tạo thành 2 vết gấp thừa 2 bên vai.
Đây cũng phần quan trọng nhất trong một bộ suit (và có lẽ là khó may nhất). Nếu bạn mua một bộ suit may sẵn, hãy dám chắc rằng ít nhất phần vai phải vừa, mọi thứ khác có thể chỉnh sửa (trong giới hạn). Một khi vai đã không vừa, cho dù bộ suit có của thương hiệu nào đi chăng nữa, cũng không thể đẹp.
Mike Ross của series phim truyền hình Suits với vai áo được cắt tuyệt đẹp.
CỔ ÁO
Cổ áo phải ôm sát vào cổ bạn. Nếu có khoảng cách giữa áo sơ mi và áo khoác, đó không phải là một chiếc áo suit vừa vặn.
ình ảnh ban đầu của Jordan Belfort trong “Wolf of Wall Street” là ví dụ hoàn hảo cho bộ suit của anh chàng môi giới nghèo: vai quá rộng và cổ áo hở to.
DÀI TAY
Tay áo phải đủ ngắn để hở ra được khoảng 1 – 1,5 cm tay áo sơ mi bên trong.
DÀI ÁO
Đây là một vấn đề thường được đem ra tranh cãi nhiều nhất khi bàn về suit.
Đối với các thương hiệu Hàn Quốc và cả những thương hiệu thời trang thế giới như Dolce & Gabbana, Alexander McQueen hay Dior, suit thường được cắt ngắn hơn truyền thống để tạo nên sự trẻ trung và phá cách. Ở Việt Nam hiện tại, phần lớn các thương hiệu thời trang nam cắt áo khoác ngắn, kết quả nếu bạn không có một dáng người siêu cao siêu mảnh như siêu mẫu, phần mông sẽ lấp ló sau mỗi bước đi, nhìn không nam tính và đẹp chút nào. Hơn nữa, khi áo bị cắt quá ngắn, 2 vạt áo sẽ xòe ra 2 bên, trong khi áo chuẩn cần phải ôm nhẹ 2 bên thân của người mặc.
Độ dài an toàn nhất là đến khớp đầu tiên của ngón tay cái, vừa đủ để che mông phía sau.
Một chiếc áo có độ dài an toàn (mép áo song song với khớp trên của ngón tay cái)
MẶT TRƯỚC/ MẶT SAU
Khi mặc lên người, thân trước và sau áo phải phẳng, không có vết gấp, vết nhăn do may quá chật, quá rộng hoặc may lỗi. Một lỗi thường gặp của mặt trước áo đó là khi cài khuy, vết nhăn chữ X sẽ xuất hiện. Về phần sau lưng, lỗi phổ biến nhất là lùng bùng do thừa vải.
Phần thân trước có vẻ hơi chật so với dáng người của Beckham
Một chiếc áo có lưng thừa vải
EO
Áo khoác của bộ suit phải ôm để tôn lên eo của người mặc, tránh tạo cảm giác “đóng hộp” hoặc “hình vuông” thường thấy ở nhiều nhà mốt.
Thực ra, đây là một yếu tố có thể “du di” tùy theo gu thẩm mỹ của người mặc. Nhưng nên nhớ, TOM FORD được mệnh danh là ông hoàng của suit cũng chính nhờ đường cắt eo đặc trưng mà nhiều nhà mốt khác không có. Nếu bạn có một vòng eo đẹp, đừng ngần ngại “show” nó ra.
Một bộ suit “hiện đại” của Dior với đường cắt đóng hộp, không chiết eo quá nhiều
Trong khi đó, suit của Tom Ford được biết tới đường thắt eo đặc trưng.
QUẦN ÂU
CẠP QUẦN
Cạp quần phải vừa ngay vòng bụng của người mặc ngay cả khi không có thắt lưng. Ở Việt Nam, nhiều người có quan niệm mặc quần rộng và đeo thắt lưng sau, quan niệm này là sai lầm. Thắt lưng chỉ nên có giá trị phụ kiện, không nên sử dụng nó như một thứ bắt buộc.
Khi bạn gấp chiếc quần âu theo ly quần và đặt lên một mặt phẳng, bạn phải nhìn thấy cạp phía sau cao hơn cạp phía trước. Đây là một yếu tố rất quan trọng để tránh hiện tượng “bung” cạp quần khi người mặc ngồi hoặc cúi, làm lộ quần lót hoặc tuột sơ-vin.
Thom Browne nổi tiếng với những chiếc quần âu không hề có mắt đeo dây lưng
Một chiếc quần có cạp quần may chuẩn.
ĐŨNG QUẦN
Đũng quần phải ôm để không gây nhàu nhĩ/ lùng bùng nhưng đồng thời phải có đủ diện tích để bạn có thể ngồi thoải mái. Đũng quần chật là lỗi rất nhiều nhà may mắc phải do muốn thiết kế quần ôm thật sát. Hậu quả là bạn cảm thấy rất chật chội khó chịu khi ngồi và di chuyển.
ĐÙI VÀ ỐNG QUẦN
Cho dù bạn may quần theo dáng nào, ống quần phải có đủ độ thoải mái để khi bạn ngồi xuống hoặc lên cầu thang, quần không bị kéo sát lên bắp chân. Nếu bạn mặc một chiếc quần “slim fit” và khi ngồi xuống chiếc quần ôm chặt vào bắp chân của bạn, khiến mỗi lần đứng dậy bạn phải lấy tay kéo ồng quần xuống, hãy nới rộng ống quần thêm 1.5 – 2 cm.
Một chiếc quần ôm vừa vặn ngay cả khi ngồi
Chiếc quần này nhìn rất “slim fit”, nhưng sẽ khó cử động
Trên đây là những tiêu chuẩn cơ bản nhất của một bộ suit tốt, tôi đã tổng hợp thành một bảng tóm tắt ngắn gọn dưới đây:
Trong thực tế, còn một số tiêu chuẩn “cao cấp” hơn dành cho những người mặc suit khó tính. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đề cập đến nữa. Với những gì đã cung cấp, hy vọng độc giả sẽ có được những kiến thức hữu dụng để sắm cho mình một bộ suit đẹp trong thời gian gần nhất.
Bài tiếp theo, tôi sẽ review một sản phẩm suit may đo tại Hà Nội, đánh giá dựa theo chính những tiêu chí đã nêu trong bài viết này.
RYAN,
留言