Phong cách ăn mặc luôn là khái niệm gắn liền với tính cá nhân. Chẳng bao giờ có chuyện đúng hay sai trong ăn mặc, sẽ có những thứ người này mặc lên thì ổn, còn người khác thì không. Nếu coi chuyện xây dựng phong cách là một cuộc chơi, bạn có muốn mình trở thành một tay chơi hời hợt? Định hướng ăn mặc của bạn là gì? Lịch lãm, năng động, bụi bặm hay phá cách? Yên tâm là tuy mang tính cá nhân, phong cách vẫn có những thứ gọi là “nền móng” để bạn có thể dựa vào và đi sâu, đi xa hơn.
Đảm bảo sự vừa vặn
Rất đơn giản, ít nhất là với tôi, trang phục có tốt, có đẹp đến đâu mà mặc lên không vừa thì cũng vô nghĩa. Hãy để ý đến độ vừa vặn, ví dụ với áo là ở phần vai, ngực, đừng mua nếu quá rộng hay quá chật. Nếu lỡ mua rồi thì đừng cố mặc, nghe đau đớn đấy nhưng hãy tìm cách cho món đồ về với chủ mới sớm đi thôi.
Chất lượng hơn số lượng
Trang phục với chất liệu chất lượng cao, được gia công tỉ mỉ với đường may, đường cắt nắn nót, chỉn chu không chỉ đẹp mà còn bền hơn những thứ hàng chợ. Vậy nên đừng so sánh giá tiền giữa một thứ sẽ gắn bó với bạn lâu dài với một thứ giặt vài lần rồi phải bỏ vì mất form, bai dão.
Một chút hiểu biết về kỹ thuật gia công, sản xuất
Muốn phong cách có chiều sâu, không đơn thuần là mua quần áo, giày dép về rồi mặc lên, như vậy ai chẳng làm được. Nhưng việc trang bị cho bản thân kiến thức về chất liệu trang phục, da giày, lịch sử, văn hóa của phong cách mà bạn đang theo đuổi sẽ giúp bạn có được sự tự tin nhất định. Không gì hơn là hiểu rõ về những thứ mình đang sử dụng, đang khoác trực tiếp lên người mỗi ngày.
Hãy quan sát đường may trên quần áo xem chúng có gọn gàng, sát và đều nhau không, chọn chất vải nguồn gốc tự nhiên, ưu tiên giày đế khâu (kỹ thuật khâu Goodyear, McKay) hơn là đế dán keo, v.v… Bạn không thể trở thành bách khoa toàn thư về thời trang, phong cách trong ngày một, ngày hai nhưng cần phải tích lũy kiến thức!
Chăm sóc trang phục
Phong cách được gây dựng từ trước khi bạn khoác trang phục lên người, chuẩn bị kỹ lưỡng cho câu hỏi “mặc gì hôm nay” là rất cần thiết nhưng trước đó là bước chăm sóc, bảo quản trang phục. Là ủi áo sơ mi trước khi mặc, phân loại đồ giặt ướt, giặt khô chính xác, đánh giày sạch sẽ, sửa những gì cần sửa, v.v… là những điều bạn cần hiểu và cần làm để kéo dài tuổi thọ trang phục và duy trì phong cách của bản thân.
Phong cách cổ điển bất diệt
Điều này có lẽ tôi đã nhắc đến rất nhiều trong các bài viết cũ, nhưng vẫn muốn nhấn mạnh thêm: Thời trang luôn thay đổi. Rồi sẽ đến lúc bạn thấy mình hụt hơi khi cứ mãi phải chạy theo xu hướng. Sao phải khổ sở làm gì khi luôn có những món đồ mang tính bất diệt, không bao giờ lỗi mốt dành cho phong cách nam giới hàng thập kỷ qua. Chúng vẫn ở đó và ít có sự thay đổi, ví dụ như: áo sơ mi button-down, giày oxford, quần jeans xanh indigo, bộ suit 2 khuy màu xanh navy, v.v…
Cổ điển không đồng nghĩa với sự nhàm chán, bạn vẫn có thể tạo dấu ấn riêng của mình, không hề khó đâu 😉
Chi tiết tạo nên sự khác biệt
Ai cũng có thể khoác quần áo lên người nhưng cách bạn mặc chúng ra sao mới là quan trọng. Có những quy tắc “kìm hãm” sự sáng tạo nhưng chúng đảm bảo ngoại hình chỉn chu cho bạn: phối màu thắt lưng đồng màu giày, chọn tất theo màu quần, thắt caravat theo kiểu cổ áo sơ mi, v.v…
Đầu tư vào phụ kiện
Phụ kiện tuy nhỏ nhoi nhưng lại là phương tiện hiệu quả để bạn thể hiện cá tính, phong cách cá nhân. Nếu thích đồng hồ, hãy đầu tư một cái thật tốt, thật linh hoạt. Sau đó “nâng cấp” cho những món bạn thường xuyên sử dụng như thắt lưng, caravat, kính mắt, v.v… Có một sự thật là phụ kiện đôi khi mới là thứ được người ta để ý hơn cả, trang phục chỉ đóng vai trò làm nền mà thôi.
Cảm giác thoải mái khi diện đồ
Cảm giác thoải mái về mặt tâm lý luôn lấn át cảm giác vật lý, thế nên mới có câu “Thời trang phang chết thời tiết” đấy 😆. Có người mặc suit quanh năm suốt tháng vẫn có cảm giác dễ chịu, đó là bởi sự phù hợp và đơn giản là họ thích mặc như vậy. Chính sự thoải mái về mặt tâm lý biến phong cách trở nên tự nhiên, sự tự tin trong ăn mặc dễ được chấp nhận hơn. Đúng vậy, trang phục phải là thứ giúp người mặc cảm thấy tự tin. Nhưng nếu “vùng an toàn” của bạn đang là áo t-shirt và quần jogger, hãy mạnh dạn trải nghiệm thêm những thứ khác, biết đâu sẽ có những lựa chọn phù hợp hơn?
Màu sắc, họa tiết và tỉ lệ
Màu sắc, họa tiết và tỉ lệ mang đến sức sống cho trang phục, và cho cả tâm trạng của bạn khi mặc chúng. Không dễ để làm chủ cả 3 yếu tố này và chắc chắn bạn sẽ phạm sai lầm khi thử nghiệm.
Đừng sợ sai, hãy ghi nhớ những lần kết hợp màu áo với màu quần làm bạn ưng ý nhất và tìm ra cách phối đồ tương tự, thay bằng một màu sắc hoặc họa tiết khác cho đến khi bạn tìm ra công thức của riêng mình.
Hiệu ứng bề mặt vải (fabrics texture)
Bên cạnh màu sắc và họa tiết, hiệu ứng bề mặt chất liệu do cách dệt sợi vải còn đem đến những trải nghiệm khác biệt.
Cùng là vải cotton nhưng cotton dệt trơn rất khác so với cotton jersey dệt sợi tròn móc. Hay những chất liệu tạo hiệu ứng xúc giác và cả thị giác mạnh mẽ như corduroy, da lộn, flannel, linen, v.v… sẽ tạo thêm “độ sâu” cho trang phục.
Học cách xếp lớp (layering) trang phục
Khoác overcoat bên ngoài một chiếc t-shirt thì không có gì để nói nhưng khi kết hợp áo len cao cổ bên trong, áo sơ mi denim ở giữa và kết thúc bằng overcoat ở ngoài cùng thì sao? Rõ ràng bạn sẽ được nhận xét là người có tư duy phối đồ hơn đấy 😁.
Hãy tự khám phá những cách kết hợp khác nhau giữa màu sắc, chất liệu và họa tiết để tạo nên sự tương phản ưng ý và hợp lý nhất cho phong cách của bạn.
Comments