Năm 2009 là mốc thời gian đánh dấu sự góp mặt của Uniform Wares vào thị trường đồng hồ với dòng sản phẩm 100 series. Vào thời điểm đó, thiết kế tối giản (minimalist) hay còn gọi là bauhaus chưa hề phổ biến. Bản thân tôi cũng chỉ là một “tay mơ” về đồng hồ nhưng vẫn nhớ vào những ngày đó, người ta chuộng đồng hồ với tên hãng phải rõ nét, chữ “swiss made” in trên mặt phải thật sắc như thế nào. “Sự ra mắt vào năm 2009 của chúng tôi là một cái gì đó thực sự ích kỷ” – Patrick Bek, giám đốc sáng tạo kiêm người sáng lập Uniform Wares còn phải “thú nhận” như vậy.
100 Serie, màn chào sân của Uniform Wares năm 2009.
Không hề có số giờ, thậm chí là cả tên và logo thương hiệu cũng biến mất! Sự nhẹ nhàng và tinh tế với những vạch giờ được tính toán, sắp xếp chu đáo trên mặt đồng hồ và đi kèm theo là dây da nappa, da ngựa shell cordovan hay dây cao su nitrile. Uniform Wares đã để cho thiết kế đơn giản đó tự nói lên giá trị của mình.
Uniform Wares từng có thời phải “đau đầu” vì những thương hiệu giá rẻ cắn xé thị trường đồng hồ thiết kế tối giản do chính họ tạo ra.
Là một trong những thương hiệu tiên phong về đồng hồ tối giản nhưng Uniform Wares thực sự đã không gặp may trong thời gian đầu khi những thương hiệu giá rẻ như Daniel Wellington hay Larsson & Jennings lại thu hút khách hàng hơn. Đã có lúc họ tỏ ra “đuối” trước những thương hiệu có thiết kế “na ná” với giá cả dễ chịu hơn rất nhiều. Nếu ở vào hoàn cảnh đó, bạn sẽ làm gì? Chắc hẳn nhiều người sẽ đi theo hướng “hạ tầm” sản phẩm, bán giá rẻ hơn để cạnh tranh với rất nhiều đối thủ đã và đang nhận ra giá trị của đồng hồ thiết kế tối giản. Nhưng không, Uniform Wares đã không và sẽ không bao giờ chịu thỏa hiệp như vậy. Nước cờ của họ được đưa ra: tăng giá trị sản phẩm thêm một cấp nữa để phân tách rạch ròi phân khúc khách hàng của mình.
Sự biến chuyển lớn nhất của Uniform Wares chính là việc sử dụng máy ETA, Ronda Thụy Sĩ cho các sản phẩm của mình.
Ở thời đại mới, những thiết kế tinh tuý của Uniform Wares vẫn nằm tại London, Anh quốc nhưng động cơ bên trong đã là máy ETA, Ronda của Thụy Sĩ và dây được đem đi gia công tại Pháp, Ý, Đức với chất liệu đa dạng hơn: da cá sấu, thép lưới, da bê, v.v… Để tạo nên được sự gắn kết giữa những nơi gia công xuất sắc như vậy, đội ngũ của Uniform Wares đã phải mất đến 2 năm đi tour khắp các nhà máy, xưởng chế tác trên khắp thế giới.
Sự nâng cấp nhắc đến ở trên được dành cho dòng sản phẩm mới của hãng: C serie và M serie. Hai dòng đồng hồ này vẫn giữ nguyên triết lý tối giản trong thiết kế, đó chính là điều quý giá nhất mà Uniform Wares luôn trân trọng. Sau ba bước phác thảo, mẫu thử nghiệm cho tới thiết kế cuối cùng, mọi chi tiết lỉnh kỉnh và thừa thãi phải được vứt bỏ hết sao cho các sản phẩm vẫn duy trì được tính đơn giản nhưng cái khó là sự tinh tế và sang trọng vẫn phải được đảm bảo tối đa.
Trụ sở của Uniform Wares tại London.
Chiếc đồng hồ mà tôi được Uniform Wares gửi tặng là M42, dòng sản phẩm cấp cao nhất hiện nay của hãng với cái giá rất “ngọt”: 1.000$. Nếu chưa biết về giá trị tối giản của Uniform Wares, bạn sẽ chê chiếc đồng hồ này là phù phiếm, là không đáng tiền khi chẳng nhìn thấy tên hãng hay gì khác trên mặt đồng hồ. À, có đấy: có chữ “swiss made” bé tẹo teo nằm ở sát góc 6h dưới cùng :)).
Một chiếc đồng hồ có giá 1000$ mà chẳng cần xuất hiện tên thương hiệu hay logo tại mặt trước.
Dưới lớp kính sapphire là tông màu đen mạnh mẽ của mặt đồng hồ, được tô điểm thêm bởi vạch giờ cũng như những chiếc kim có màu sáng bạc rất hút mắt. Vỏ đồng hồ làm bằng thép, được phủ màu đen sần qua công nghệ mạ chân không để tạo nên sự đồng bộ với mặt đồng hồ. M42 không có phần “tai” ở hai đầu để xỏ dây mà thiết kế giấu khớp nối vào dưới nắp sau, đây được xem như một chi tiết rõ nét nhất ở đồng hồ có thiết kế tối giản.
Vì là dòng chronograph (6 kim với tính năng bấm giờ), mỗi chiếc M42 nếu muốn nằm trên kệ cửa hàng sẽ phải trải qua 5 lần kiểm tra tại Thụy Sĩ rồi mới được quay lại London để… kiểm tra thêm lần cuối trước khi sắp xếp vào hộp.
Uniform Wares M42 có đường kính 42mm và chỉ dày 10,5mm
Cũng phải nhắc đến chiếc dây cao su nitrile của M42 nữa. Chất liệu khá bình dân này cũng được Uniform Wares chăm chút kỹ càng khi dây được đổ khuôn tại Ý, có độ dẻo dai và đàn hồi cực tốt.
Vì mang thiết kế đơn giản, M42 rất linh hoạt trong việc phối đồ. Tôi đã thử phối cùng áo phông, sơ mi, jeans, chinos, chelsea boots, sneakers, v.v… Tất cả đều ok nhưng nếu muốn đi cùng trang phục có tính chất đứng đắn hơn như áo khoác blazer, quần tây, hoặc một bộ suit thì có lẽ tôi cần phải thay chiếc dây cao su bằng bộ dây da mới.
Chẳng hề phô trương, hoa mỹ hay rườm rà, Uniform Wares là vậy, vẫn luôn thật trầm và tinh tế trong từng mẫu sản phẩm của mình. Từ giờ nếu ai hỏi vì sao một chiếc đồng hồ không thấy tên tuổi, logo hình họa mà lại đắt đến thế thì có lẽ tôi chỉ giải thích đơn giản thôi: “Vì nó đẹp!”.
Comments